Theo tờ Bloomberg, Mỹ là quốc gia hưởng lợi lớn từ các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Nga và Venezuela khi các công ty năng lượng của nước này đã thâm nhập vào các thị trường từng bị thống trị bởi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã lập 5 kỷ lục mới hàng tháng sau khi các nước phương Tây siết lệnh cấm vận với dầu Nga vào năm 2022. Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển kể từ ngày 5/12/2022. Cùng ngày, G7 cũng công bố áp giá trần đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng nhằm thu hẹp nguồn thu của Moscow sau khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong bối cảnh lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với dầu Venezuela sắp hết hạn vào tháng 4, “vàng đen” Mỹ đang bắt đầu thay thế dầu thô mà Ấn Độ mua từ Nga. Trong năm ngoài, New Delhi là một trong những khách hàng mua dầu Nga nhiều nhất kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt.
Sự thay đổi này cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga và Venezuela đã gián tiếp giúp dầu thô Mỹ chiếm được thị phần trên thị trường nhiên liệu toàn cầu.
Trong khi dầu thô của Mỹ từ lâu đã trở thành nguồn cung dầu linh hoạt của thế giới, thì sự gián đoạn trong dòng chảy năng lượng toàn cầu do ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine đã tạo ra lực hút mới cho dầu của Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu từ châu Âu và châu Á tăng vọt đã giúp Mỹ trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác kỷ lục cũng đã giúp các nhà sản xuất dầu của Mỹ có được chỗ đứng lớn hơn ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh nhóm OPEC+ siết nguồn cung ra thị trường.
Chuyên gia Gary Ross - Giám đốc quỹ phòng hộ tại Công ty Black Gold Investor nói với Bloomberg: “Sản lượng dầu của Mỹ đang tăng lên trong khi sản lượng của OPEC và Nga đang giảm. Vì vậy, theo định nghĩa, Mỹ sẽ có nhiều thị phần hơn”.
Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới và là khách hàng lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc vào năm ngoái - hiện đang chuyển hướng sang nhập khẩu dầu từ Mỹ. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi dầu thô Kpler, các chuyến hàng chở dầu của Mỹ đến Ấn Độ trong tháng 3 dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong gần một năm.
Trong khi đó, dữ liệu tàu chở dầu của Bloomberg cho thấy, nhập khẩu dầu của Nga đến Ấn Độ đã giảm khoảng 800.000 thùng/ngày kể từ mức cao nhất trong năm ngoái. Lượng dầu nhập khẩu từ Nga được dự báo có thể tiếp tục giảm do các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không còn nhận hàng từ các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Sovcomflot PJSC - công ty gần đây đã bị Mỹ trừng phạt.
Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ cũng đã tạm dừng mua dầu từ Venezuela trước khi lệnh miễn trừ lệnh trừng phạt của Mỹ hết hạn vào giữa tháng 4. Lượng dầu nhập khẩu từ Venezuela đang ở mức thấp nhất trong năm nay.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, ngay cả trước khi có hàng loạt hạn chế thương mại mới nhất, Washington đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp chính cho châu Á - thị trường nhập khẩu dầu Mỹ kỷ lục vào năm ngoái.
Còn tại châu Âu - khu vực đã hạn chế nhập khẩu dầu của Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, xuất khẩu dầu của Mỹ dự tính sẽ đạt mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Các chuyến tàu chở dầu Mỹ sang châu Âu tăng mạnh sau khi EU chính thức áp lệnh cấm vận với dầu Nga vào cuối năm 2022. Nhập khẩu dầu từ Mỹ vào Pháp đã tăng gần 40% từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi nhập khẩu vào Tây Ban Nha tăng 134%.
Theo chuyên gia Matt Smith, khi sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng cao hơn, mỗi thùng dầu được sản xuất đều có khả năng sẽ được dành cho xuất khẩu.