Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang rất triển vọng. Ông Tillerson đánh giá Bình Nhưỡng đã phản ứng "kiềm chế" với các lệnh trừng phạt mới mà Liên Hợp quốc áp đặt lên nước này.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bất ngờ tuyên bố, việc Triều Tiên không ngay lập tức tiến hành các vụ thử tên lửa sau khi phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt nặng nề là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu "tôn trọng" Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu hạ nhiệt từ phía Washington, Bình Nhưỡng lại tiếp tục bắn thử 3 tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản hôm 26/8 vừa qua. Vụ phóng tên lửa mới nhất này diễn ra khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu gia tăng.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, hành động này thể hiện Bình Nhưỡng vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. "Việc bắn bất cứ tên lửa đạn đạo nào là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi xem đây là hành động khiêu khích chống lại Mỹ và các đồng minh của chúng tôi", ông Tillerson nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Tillerson cũng tuyên bố thêm rằng: "Chúng tôi vẫn mong muốn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhận ra rằng có một con đường khác mà ông ấy có thể lựa chọn. Cộng đồng quốc tế đã phát đi thông điệp rằng, không ai muốn nhìn thấy một bán đảo Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn hy vọng có cơ hội hợp tác với họ".
Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc phối hợp với các đồng minh, với Trung Quốc, để xem liệu có thể đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán nhằm đối thoại về một tương lai khác đi cho khu vực bán đảo Triều Tiên và cho chính Triều Tiên".