Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ vỡ nợ: Chỉ còn 10 ngày, ông Biden nghĩ về "quân bài tẩy"

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi hạn vỡ nợ 1/6 đang đến gần hơn, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện phải đối mặt với áp lực từ một số đảng viên Dân chủ về việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 để đơn phương tăng trần nợ công.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kết thúc các cuộc thảo luận hôm 22/5 mà không mang lại bất cứ thỏa thuận nào về cách tăng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán khi chỉ 10 ngày nữa là một vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử Mỹ có thể xảy ra, nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới.

Thời gian trở nên gấp rút, Tổng thống Biden hôm Chủ nhật thừa nhận "đang xem xét Tu chính án thứ 14". Trả lời báo giới tại Nhật Bản, ông chủ Nhà Trắng nói: "Tôi nghĩ chúng tôi có thẩm quyền".

Tu chính án thứ 14 chủ yếu được biết đến với quyền công dân và các điều khoản bảo vệ bình đẳng, nhưng Mục 4 của Tu chính án liên quan đến nợ công của quốc gia: "Tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ, được pháp luật cho phép, bao gồm các khoản nợ phát sinh để thanh toán lương hưu và tiền thưởng cho các dịch vụ trong việc trấn áp nổi dậy hoặc bạo loạn, sẽ không bị từ chối".

Điều luật này trong Hiến pháp Mỹ ra đời sau hậu quả của Nội chiến, khi Chính phủ lúc bấy giờ phải đối mặt với các khoản nợ phải gánh chịu trong quá trình chống lại phe Liên minh.

Vậy Tổng thống Biden có thể viện dẫn Tu chính án thứ 14 như một "quân bài tẩy" để tăng trần nợ công mà không cần Quốc hội thông qua hay không?

Michael Gerhardt - Giáo sư luật hiến pháp tại Đại học North Carolina, nhận định với ABC News: "Tu chính án thứ 14 quy định một cách không rõ ràng rằng không nên đặt câu hỏi về nợ công của Mỹ. Biden có thể dựa vào cách diễn đạt đó để gợi ý rằng trần nợ không tồn tại".

Nhưng Gerhardt lưu ý, một động thái như vậy là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ, do đó có thể ngay lập tức bị phản đối trước tòa. "Đảng Cộng hòa có thể lập luận rằng (Tổng thống Biden) đang "cắt câu lấy nghĩa" đối với Hiến pháp".

Từ đó, Gerhardt nói rằng Tu chính án thứ 14 là một "lựa chọn khả thi", nhưng "liệu Biden có thể thắng trong vụ kiện kéo dài đến tận Tòa án Tối cao hay không thì không rõ".

Tổng thống Biden hôm 21/5 cũng bày tỏ ý định rằng một khi cuộc khủng hoảng trần nợ công này kết thúc, ông sẽ tìm cách đưa vấn đề ra tòa, "để xem liệu Tu chính án thứ 14 trên thực tế có phải là thứ có thể ngăn chặn" các cuộc tranh chấp giới hạn nợ đang diễn ra định kỳ tại Mỹ hay không.

Tính đến hiện tại, ít nhất 11 thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện và 66 thành viên cấp tiến của Hạ viện Mỹ đã viết thư cho ông Biden để thúc giục nhà lãnh đạo viện dẫn Tu chính án thứ 14.

"Đây không phải là một "lựa chọn" mà là một nhiệm vụ. Không thể cho phép đảng Cộng hòa phá vỡ nền kinh tế nếu chúng ta không tuân theo yêu cầu của họ để gạt bỏ các chương trình xã hội quan trọng" - Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Jamie Raskin, một học giả về hiến pháp, đã lập luận hôm 22/5.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng: "Việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 sẽ cho phép Chính phủ Mỹ tiếp tục thanh toán các hóa đơn đúng hạn, ngăn chặn thảm họa kinh tế và những tổn hại nghiêm trọng đối với bộ phận người dân dễ bị tổn thương nhất trong nước".

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết ông phản đối Tu chính án thứ 14. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng lưu ý rằng hành động "qua mặt" Quốc hội không nên là "một lựa chọn" của Tổng thống đương nhiệm.