Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (được cập nhật đến ngày 5/5), 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 50.628 tỷ đồng và tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp hơn 34.000 tỷ đồng.
Trong số 117 cơ quan này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng. Trong đó, nếu xét ở 63 tỉnh, thành trực thuộc T.Ư, Hà Nội tiết kiệm nhiều nhất, còn các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp ở cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỷ đồng.
Nếu tính riêng 34 bộ và cơ quan T.Ư thì tổng số tiền tiết kiệm được gần 11.154 tỷ đồng. Trong đó, số tiền tiết kiệm ngân sách và vốn Nhà nước hơn 11.000 tỷ đồng; số tiền tiết kiệm từ vốn doanh nghiệp là 135,541 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 3 cơ quan tiết kiệm được nhiều nhất, kế đến là Bộ GTVT.
Trong khối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội. Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiết kiệm được ít nhất trong khối này với tổng số tiền tiết kiệm được chỉ dưới 10 tỷ đồng.
Gợi ý thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích kết cấu, nội dung báo cáo này xem đúng quy định hay chưa, có bám sát chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2020; những kết quả cụ thể, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục…. nhằm bảo đảm công tác này càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến sâu vào nội dung cụ thể trong lĩnh vực lãng phí, tiết kiệm, những thành tích, ưu điểm căn bản và những tấm gương của các bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (cả về nhân lực, vật lực, tài lực). Kết quả thảo luận để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, chắt lọc những vấn đề căn cơ nhất đưa vào báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội.