Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2024, ngân sách dành hơn 55.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/7/2024, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Cùng đó, lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương với khu vực doanh nghiệp cũng sẽ được điều chỉnh.

Bộ trường Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trường Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Quochoi.vn)

Chiều 23/10, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán ngân sách NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2024-2026.

Theo đó, báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với dự kiến thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể, đến hết năm 2022 tổng ngân sách trung ương và tích luỹ của địa phương cho cải cách tiền lương trong 3 năm tới là hơn 430.000 tỷ đồng. Con số này tăng lên 486.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023  (trong đó 23% là ngân sách trung ương). Riêng năm 2024, dự toán tổng chi ngân sách (chi thường xuyên, đầu tư phát triển, lương...) là trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ so với 2023. Số tổng chi gần 2,12 triệu tỷ đồng, nếu tính cả 19.000 tỷ đồng số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán 2024 của một số địa phương để điều chỉnh lương cơ sở 1,8 triệu đồng một tháng.

Trong số này, tiền dự toán chi cho cải cách tiền lương năm 2024 là 55.400 tỷ đồng, trong đó 48.000-49.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (chiếm 89%), còn lại là ngân sách địa phương.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội chiều 23/10 (Ảnh: Quochoi.vn)
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội chiều 23/10 (Ảnh: Quochoi.vn)

Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – Ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh lưu ý,  Chính phủ cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW. Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động trong bố trí nguồn lực; đồng thời, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nhất trí phương án điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh gắn với lương cơ sở từ 1/7/2024. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị hành chính đang quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉ kéo dài tới hết 30/6/2024. Sau thời gian này, thực hiện quy định theo lộ trình cải cách tiền lương chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về tổng thu, tổng chi, tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; dự kiến cải cách tiền lương, các nguyên tắc, cơ cấu, phương án phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư ngân sách trung ương;  một số kiến nghị của Chính phủ, đánh giá việc xây dựng Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024 – 2026.