Nâng cao vị thế Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đăng cai APEC 2017 ở thời điểm tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp, đan xen giữa trở ngại và xu thế, giữa khó khăn đang bề bộn và cơ hội phát triển tương lai.

Tuy nhiên, ghi nhận những kết quả từ APEC 2017 một lần nữa chứng minh vai trò kết nối và đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam cho tiến trình liên kết, phát triển và thịnh vượng của khu vực.
TS Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương: Đổi mới, cải cách và hội nhập

Đây cũng là lúc APEC phải bước vào chuẩn bị Tầm nhìn APEC sau 2020 mà trung tâm là liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ, gắn liền với yêu cầu tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo. APEC 2017 chính là dấu ấn cho thấy sự chủ động, tích cực của một Việt Nam tiếp tục Đổi mới, cải cách và hội nhập. Sự kiện này khẳng định tầm nhìn, vị thế của đất nước hình chữ S. Đặc biệt, lần tổ chức này tại Việt Nam đang đặt ra yêu cầu giải những bài toán mới cho quá trình toàn cầu hóa. Đó là, làm thế nào để quá trình tự do hóa thương mại, đầu tư đem lại không chỉ là lợi ích tổng thể mà còn phải có phân bổ lợi ích công bằng giữa các nền kinh tế, giữa các nhóm xã hội trong một nền kinh tế. Làm thế nào toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, đầu tư đáp ứng được những xu hướng mới, ví dụ như Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Dấu ấn Việt Nam cũng chính là việc cùng các thành viên APEC chuyển hóa ý tưởng, nội hàm gắn với chủ đề, các ưu tiên APEC 2017 thành hiện thực. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ vì tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Cơ hội tăng thu hút đầu tư

Việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trong đó những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nền kinh tế thành viên. Điều đó cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập và cũng khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao; đồng thời, đề cao hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.

Qua APEC các nước trên thế giới cũng như khu vực ASEAN hiểu rõ và tin tưởng vào đường lối đổi mới, đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của nước ta. Đặc biệt, qua các phiên họp, hội thảo, đối thoại với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn; nhiều tập đoàn, DN hàng đầu thế giới…, đây là cơ hội để chúng ta tăng cường mối quan hệ với các đối tác lớn, có quan hệ mật thiết, cũng như các đối tác giàu tiềm năng. Theo tôi, chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, sau APEC, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước sẽ được thúc đẩy và mở rộng. Với những quan điểm trong thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện, Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng thị trường, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài. Từ đây sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. (Bảo Quyên)
Ông Trần Văn Hợp – Phường Thành Công, quận Ba Đình: Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Với tôi, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng là một sự kiện quan trọng. Bởi, nó có sự tham gia của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và nhiều DN hàng đầu của thế giới. Đây chính là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tiếp cận, học hỏi và ký kết hợp tác với các DN hàng đầu của các nước có nền kinh tế phát triển.

Đối với Đà Nẵng, đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu về một TP thông qua sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách của người dân và sự năng động, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ các cấp. Qua sự kiện này, người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung có quyền kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phát triển du lịch cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước…


Ông Frederick R.Burke - Hãng luật Baker & McKenzie:  Minh chứng cho chính sách đa phương

Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện APEC lần này, rất nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu đã có mặt ở đây. Việt Nam chính là ví dụ tốt cho khuyến khích thương mại quốc tế và lợi ích từ việc mở cửa thị trường. Chính sách này đã hoạt động rất hiệu quả. Tổ chức sự kiện APEC lần này thực sự là thiên thời, địa lợi cho Đà Nẵng và Việt Nam và cũng là thông điệp về thương mại tự do gửi đến nhiều quốc gia khác. Việt Nam cũng là minh chứng rõ ràng cho chính sách đa phương trong thương mại và ngoại giao.

TS Nicolas Chapman - Đại học quốc tế Nhật BảnViệt Nam thể hiện tinh thần thương mại tự do

Một trong điểm nổi bật tại APEC 2017 lần này là việc Việt Nam đã đi theo con đường của Nhật Bản trong việc kêu gọi khôi phục Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui. Ủng hộ TPP 11 mà nay đổi tên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện tinh thần mà Việt Nam đã có trong các hiệp định thương mại tự do và tầm quan trọng của nó đối với sự hội nhập, đa dạng hóa và phát triển bền vững của Việt Nam. Chắc chắn, thỏa thuận thương mại này sẽ cực kỳ thuận lợi cho các DN Việt Nam và tạo ra một môi trường minh bạch, công bằng hơn cho thương mại để phát triển.
Ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc Công ty CP Chuyển phát hàng hóa TNT: Các tập đoàn kinh tế lớn sẽ nhắm Việt Nam là thị trường phát triển dài hạn

Tôi tự hào khi Việt Nam được bạn bè quốc tế tin tưởng tổ chức các sự kiện APEC 2017. Qua theo dõi thông tin, sự kiện APEC có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng hàng nghìn đại biểu quốc tế tham gia. Đây là dịp các lãnh đạo, nhà đầu tư của nhiều nền kinh tế lớn trực tiếp nhìn nhận, đánh giá và tiếp tục tìm cơ hội phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Với việc hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, tôi mong muốn, những tập đoàn kinh tế lớn sẽ nhắm Việt Nam là thị trường phát triển dài hạn, có chiều sâu. Khi đó, cơ hội bằng vàng sẽ đến với các DN nhỏ biết tận dụng cơ hội, tìm cho mình hướng kinh doanh đúng đắn để phát triển. (Nguyễn Phong)