Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ có thể kết thúc vào ngày 6/7

Thương Huế - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT) với báo Kinh tế & Đô thị chiều 2/7.

Người tham gia giao thông è mình dưới cái nắng nóng cháy da. Ảnh: Phạm Hùng
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua đã khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ. Có nơi xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt như Hòa Bình và Thanh Hóa ghi nhận nhiệt độ 39 độ C, Tĩnh Gia (Thanh hóa) 40,5 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 39,7 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 39 độ C.
Về diễn biến nắng nóng, vị chuyên gia này khẳng định, nắng nóng gay gắt có thể kết thúc trong ngày 5/7 ở Bắc Bộ và ngày 6/7 ở ven biển Trung Bộ.
Cụ thể, so với nhiệt độ trung bình các năm trước, đợt nắng nóng lần này không bất thường và chưa ghi nhận thêm giá trị lịch sử nào. Nhiệt độ cao nhất mà Trung tâm KTTV quốc gia ghi nhận được là ở Tĩnh Gia (Thanh hóa) 40,5 độ C. Tại khu vực Hà Nội, nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt hơn 39 độ C, vẫn thấp hơn khoảng 3 độ so với đợt nắng nóng lịch sử từ ngày 31/5 - 6/6/2017.
Do vùng thấp nóng phía Tây phát triển kết hợp với hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh, nắng nóng gay gắt trên 37 độ sẽ còn kéo dài đến ngày 5/7 ở đồng bằng Bắc Bộ và ngày 6/7 ở Trung Bộ. Nhiệt độ giảm dần nhưng vẫn có thể giữ mức 35 độ C trong các ngày tiếp theo.
Đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đây được coi là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2018. Thường thì nắng nóng sẽ kết thúc bằng các đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống hoặc các đợt mưa lớn. Sự thay đổi trạng thái từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh sẽ gây xáo trộn rất mạnh các khối không khí và dễ dẫn đến mưa, giông, lốc, sét, thậm chí là mưa đá, tố lốc, vòi rồng.
“Sau nắng nóng diện rộng như hiện nay mà có mưa lớn xuất hiện thì có thể xảy ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh. Do vậy bà con cần chủ động với mọi diễn biến của thiên tai. Đặc biệt có biện pháp chủ động phòng, tránh trú khi có các dấu hiệu của dông, lốc, xoáy và sét. Ở các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng cần phải đề phòng với hiện tượng lũ quét và trượt lở đất có thể sẽ xảy ra", ông Hưởng cảnh báo.
Theo ông Hưởng, trung bình một năm, Bắc Bộ và miền Trung có khoảng 17 - 18 đợt nắng nóng, năm nhiều thì có thể lên tới trên 20 đợt nắng nóng. Tuy nhiên, dự báo số đợt nắng nóng không có nhiều ý nghĩa, vì cứ hai ngày liên tiếp được tính là một đợt. Thực tế miền Bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày gấp 4 - 5 lần đợt ngắn.
“Năm nay, chúng tôi dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền Bắc chỉ 4 - 6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài 8 ngày. Ở miền Trung, mỗi đợt sẽ dài 6 - 8 ngày và đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018”, ông Hưởng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần