Theo Guardian, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12/1 cảnh báo về "nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu", sau khi các cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine giữa liên minh này và Nga không thu hẹp được bất đồng.
Tổng thư ký Stoltenberg nói rằng các cuộc đàm phán giữa 30 thành viên NATO và Moscow là "không dễ dàng" và nguy cơ xung đột vũ trang ở châu Âu vẫn hiện hữu.
Hãng RT đưa tin ông Stoltenberg cho biết sự khác biệt giữa hai bên không dễ dàng thu hẹp, nhưng cuộc hội đàm là một dấu hiệu tích cực cho thấy tất cả thành viên NATO và Nga đã cùng ngồi lại và bàn bạc các chủ đề quan trọng.
"Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về tình hình trong và xung quanh Ukraine và những tác động đối với an ninh châu Âu. Có sự khác biệt đáng kể giữa các đồng minh NATO và Nga về những vấn đề này", Tổng thư ký NATO nói.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg thừa nhận một cuộc xung đột mới có thể xảy ra và cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động quân sự.
Ông Stoltenberg cũng bác yêu cầu của Nga trong việc mở rộng hơn nữa NATO, cho rằng “Nga không có quyền phủ quyết” đối với quá trình đó và “chỉ Ukraine và 30 thành viên NATO mới có thể quyết định khi nào Ukraine trở thành thành viên”. Trong các yêu cầu được Nga đưa ra, Moscow kiên quyết rằng Ukraine và Gruzia phải “không bao giờ” trở thành thành viên NATO.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc hội đàm Hội đồng NATO - Nga kéo dài 4 giờ đồng hồ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã quay lại chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đó là “ngăn chặn” đối với Nga và tìm kiếm “sự thống trị toàn diện”.
Thứ trưởng Grushko nói rằng hành vi của NATO đang tạo ra mối đe dọa "không thể chấp nhận được" đối với Nga. Ông Grushko cũng yêu cầu khối này phải chịu trách nhiệm về việc chấm dứt mọi hợp tác với Nga trong các vấn đề an ninh chung, giống như cuộc chiến chống khủng bố, buôn bán ma túy và cướp biển.
Theo Thứ trưởng Grushko, Nga đã đề xuất các biện pháp giảm leo thang nhưng NATO vẫn “phớt lờ”. Ông Grushko nhấn mạnh rằng điều này là không thể chấp nhận được, đồng thời tuyên bố nếu NATO kiên trì với chính sách ngăn chặn, răn đe và đe dọa, Moscow sẽ có biện pháp đáp trả không khoan nhượng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói rằng quan hệ giữa Moscow và NATO đang ở "mức cực kỳ thấp", trong khi một quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng "không có chương trình nghị sự tích cực nào".
Trưởng phái đoàn Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, cho biết Điện Kremlin vẫn tiếp tục đưa ra yêu cầu chấm dứt tham vọng mở rộng của NATO và rút quân khỏi các nước thuộc Liên Xô cũ. Bà Sherman nói rằng Nga không mang đến "điều gì mới" trong cuộc hội đàm với NATO về giải quyết bế tắc liên quan đến Ukraine. Theo Thứ trưởng Sherman, những đề xuất của Nga sẽ không được Mỹ và các thành viên NATO chấp nhận.
Trươc đó, hôm 10/1, quan chức Nga và Mỹ cũng đã tiến hành đối thoại về an ninh liên quan đến Ukraine song không mang lại kết quả thực chất. Sau hơn 7 giờ đồng hồ thảo luận, hai bên đã kết thúc đàm phán mà không đạt được kết quả đột phá nào, đồng thời nhất trí tiếp tục đối thoại.
Hồi trung tuần tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố dự thảo thỏa thuận với Mỹ về đảm bảo an ninh và dự thảo thỏa thuận giữa Moscow với các thành viên NATO về các biện pháp an ninh.
Căng thẳng Mỹ, NATO với Nga leo thang gần đây liên quan đến Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Moscow phủ nhận cáo buộc này, cho rằng chính mối quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với NATO đã khiến leo thang tình trạng bế tắc hiện nay.