Nga đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ “vào cuộc” vụ phá hoại Nord Stream

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ngoại trưởng Nga, nước này không chấp nhận tuyên bố người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric, cho rằng tổ chức này không có thẩm quyền điều tra sự cố đường ống Nord Stream.

Theo hãng tin Tass, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Liên bang Nga tại LHQ Dmitry Polyansky ngày 15/2 thông báo, Nga đang triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 22/2 tới về hành vi phá hoại tuyến đường ống khí đốt Nord Stream.

Trên kênh Telegram, ông Polyansky cho biết, trước những thông tin mới liên quan đến vụ nổ đường ống Nord Stream, Moscow đã yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 22/2.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Ảnh: Tass

Cùng ngày, phát biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng  Moscow đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an LHQ trong tuần tới để điều tra các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Ông Lavrov lưu ý thêm rằng Moscow không chấp nhận tuyên bố của người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, cho rằng tổ chức này không có thẩm quyền điều tra sự cố đường ống Nord Stream.

Trước đó, hôm 14/2, Ủy ban Quan hệ quốc tế của Quốc hội Nga đã thông qua một kiến nghị yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ điều tra về vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream vào tháng 9 năm ngoái. Kiến nghị này được đưa ra ngày 14/2 và dự kiến sẽ được Hạ viện Nga thông qua vào cuối tuần này, theo đài RT.

Kiến nghị mô tả vụ nổ là “một hành động khủng bố quốc tế” và một “sự phá hoại khủng khiếp”, kêu gọi LHQ bắt cả bên ra lệnh và bên thực hiện chịu trách nhiệm cho vụ việc. Theo hãng thông tấn Tass, hành vi đó đã đe dọa an ninh của toàn lục địa Á-Âu.

Theo kiến nghị, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden “đã ra lệnh bất hợp pháp và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với hàng tỉ USD thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của Nga, Đức, Pháp và Hà Lan”. Kiến nghị mô tả vụ phá hoại đường ống dẫn dầu là gây thiệt hại lâu dài cho an ninh, kinh tế và môi trường của toàn khu vực.

Theo đó, các hành động của Mỹ đòi hỏi “một cuộc điều tra quốc tế kỹ lưỡng, trừng phạt những người chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại đã gây ra”.

Động thái này diễn ra sau khi hôm 8/2, nhà báo Mỹ Seymour Hersh (cựu phóng viên tờ The New York Times) cáo buộc Washington đứng sau các vụ nổ đường ống Nord Stream. Một nguồn thạo tin nói với ông Hersh rằng chất nổ đã được thợ lặn của Hải quân Mỹ đặt trên các đường ống ở Biển Baltic vào tháng 6/2022 dưới chiêu bài tập trận của NATO và được kích nổ vào cuối tháng 9/2022.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác các thông tin từ phía ông Hersh, cho rằng toàn bộ chúng đều “sai sự thật và hoàn toàn là thông tin hư cấu”, theo hãng tin Reuters.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Trong số 4 điểm này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Hiện trường vụ đường ống rò rỉ tại một tuyến đường ống. Ảnh: Tass
Hiện trường vụ đường ống rò rỉ tại một tuyến đường ống. Ảnh: Tass

Các nhà chức trách Nga, Mỹ và EU cho biết những rò rỉ có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ đích. Phương Tây và Nga lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau liên quan đến vụ rò rỉ.

Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng biệt để thu thập thông tin riêng về sự cố ở đường ống Nord Stream. Moscow đã đề xuất với Stockholm thành lập một cuộc điều tra chung về vụ việc song cả Thụy Điển và Đan Mạch đều bác bỏ đề xuất của Nga.