Nga liên tiếp gửi cảnh báo tới phương Tây

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm nay (22/12) cho biết, Moscow có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ nếu Washington tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng do xung đột ở Ukraine.

"Mỹ đừng hành động với ảo tưởng... rằng Nga đang níu giữ quan hệ ngoại giao với nước này bằng mọi giá" - ông Ryabkov nói.

Phát biểu được đưa ra ngay sau các báo cáo mới nhất của tờ New York Times nói rằng Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh G7, gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản để tăng cường nỗ lực tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Moscow, hiện đang bị đóng băng ở các nước phương Tây.

Mặc dù trước đây Mỹ kiên quyết phản đối bất kỳ hành động tịch thu tài sản nhà nước nào thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga, nhưng Nhà Trắng giờ đây đã trở nên tích cực hơn về việc thảo luận trong G7 để tìm giải pháp sử dụng thẩm quyền hiện có liên quan đến khoản tiền của Nga.

Một lý do được đưa ra là bởi Quốc hội Mỹ đã không phê duyệt nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine vào cuối năm nay. Hơn nữa, ngay cả khi khoản tiền cuối cùng được phê duyệt, Nhà Trắng được cho vẫn cần một nguồn tài chính thay thế cho Kiev để ngăn chặn những tình huống tương tự.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 21/12 cũng đã cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả tương xứng nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Năm ngoái, khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị lưu lại tại các nước G7, EU và Australia. Đáng chú ý, 210 tỷ euro (230 tỷ USD) dự trữ của Nga được giữ ở EU, 191 tỷ euro ở Bỉ, 19 tỷ euro ở Pháp và 7,8 tỷ euro ở Thụy Sĩ không phải là thành viên EU.

EU đã đặt mục tiêu huy động 15 tỷ euro cho Ukraine từ số tiền thu được từ những tài sản bị phong tỏa này, tùy thuộc vào sự chấp thuận nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên.

"Nếu một quyết định như vậy được đưa ra, một phản ứng hoàn toàn cân xứng sẽ đến từ Liên bang Nga" - ông Siluanov trả lời kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 21/12, nói thêm rằng tất cả những tài sản bị phong tỏa là "số tiền không hề nhỏ".

Kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) đã bị trì hoãn kể từ mùa Hè năm nay sau khi một số quốc gia thành viên EU và Ngân hàng Trung ương Châu Âu chỉ ra những lo ngại về pháp lý và tài chính.

Theo một báo cáo gần đây của Financial Times, Pháp, Đức và Italia vẫn cực kỳ thận trọng” về ý tưởng sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga, trong khi một số quan chức EU "lo ngại có thể bị trả đũa" nếu tiền của Moscow bị tịch thu. Financial Times cũng nhận định, sáng kiến hiện thu hút được sự chú ý của các nước G7 vì Mỹ và EU không đảm bảo được gói hỗ trợ tài chính mới cho Kiev.

Tuy nhiên, nguồn tin của New York Times chỉ ra một loạt vấn đề mà G7 vẫn chưa giải quyết được. Câu hỏi trước hết là liệu tài sản bị tịch thu sẽ được gửi trực tiếp đến Ukraine hay được sử dụng vì lợi ích của nước này theo những cách khác.

Một mối lo ngại khác là liệu số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp tới sự phục hồi và hỗ trợ ngân sách của Ukraine hay trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh. Hơn nữa, vì việc tịch thu tài sản quốc gia với quy mô lớn như vậy là điều chưa từng có nên Moscow có thể trả đũa, bao gồm thông qua các vụ kiện và tịch thu "ăn miếng trả miếng".

Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng động thái như vậy "vi phạm mọi quy tắc hiện hành", liên tiếp cảnh báo rằng những ai quyết định tịch thu kho dự trữ của Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý và tư pháp "nghiêm trọng".