Đồng rúp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng USD trong bối cảnh chi tiêu quân sự của Nga tăng và doanh thu xuất khẩu sụt giảm.
Theo Financial Times ước tính, đồng nội tệ Nga đã mất khoảng 25% giá trị trong năm nay và suy yếu hơn 100 rúp so với đồng USD vào đầu phiên giao dịch hôm 14/8 do tác động của cuộc chiến với Ukraine. Sự suy giảm đã bù đắp nhiều hơn cho việc tỷ giá đồng rúp tăng vào năm ngoái, khi chiến sự tại Ukraine kéo theo sự tăng giá mạnh của giá dầu và khí đốt.
Xu hướng giảm giá của đồng rúp đã gia tăng trong những tuần gần đây, làm tăng áp lực kinh tế đối với Moscow sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư vào Nga. Bên cạnh đó, việc các nước châu Âu ngừng nhận nguồn cung năng lượng từ Nga cũng làm giảm doanh thu mà nước này nhận được từ việc bán dầu.
Nền kinh tế trong nước đã được thúc đẩy nhờ chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng và các cam kết xã hội như “tiền quan tài” mà gia đình các binh sĩ đã hy sinh trên chiến trường ở Ukraine nhận được. Nhưng điều này cũng làm tăng thâm hụt ngân sách, đẩy đồng tiền xuống thấp hơn.
Sự gia tăng chi tiêu đã khiến nhập khẩu hàng năm tăng 20% trong nửa đầu năm nay.
Việc cắt giảm mạnh lãi suất vào năm ngoái đã gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng rúp; Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã cắt giảm lãi suất từ 20% xuống 7,5% trong vòng chưa đầy một năm.
Natalia Lavrova, nhà kinh tế cấp cao tại BCS Global Markets, cho biết: “Chi tiêu của chính phủ đóng vai trò là một kênh trực tiếp thúc đẩy nhập khẩu với độ trễ ngắn".
Hôm 14/8 cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, Maxim Oreshkin khẳng định “nền kinh tế Nga cần một đồng rúp mạnh” và đổ lỗi cho chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã phá giá đồng tiền này.
“CBR có tất cả các công cụ để bình thường hóa tình hình trong tương lai gần và đảm bảo giảm tốc độ cho vay xuống mức bền vững,” Oreshkin viết cho hãng thông tấn nhà nước TASS.
Dòng chảy thương mại đã trở thành động lực thúc đẩy sự biến động của đồng rúp sau khi hoạt động giao dịch đồng tiền này với nước ngoài cạn kiệt vào mùa xuân năm ngoái. Theo số liệu chính thức được công bố vào tuần trước, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga - gần bằng chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu - đã giảm 85% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên vẫn có một tia hy vọng cho Moscow. Doanh thu từ các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, dầu mỏ và khí đốt, đã giảm hơn 40% trong 7 tháng đầu năm so với năm 2022 do các lệnh cấm vận và mức trần giá do G7 áp đặt đã đẩy giá xuống. Nhưng vào tháng 7, chúng bắt đầu hồi phục.