Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương Tây “bó tay” chặn nguồn thu từ dầu mỏ của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga trong tháng 7 vọt lên tới 15,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với tháng trước đó, ghi nhận mức cao nhất trong 8 tháng.

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong 8 tháng. Ảnh: NYT
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong 8 tháng. Ảnh: NYT

Theo Bloomberg, bất chấp biện pháp áp giá trần từ nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và lệnh cấm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong tháng 7 vẫn ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Theo báo cáo của IEA, doanh thu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga trong tháng 7 lên tới 15,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với tháng trước đó, ghi nhận mức cao nhất trong 8 tháng gần đây.

Trong tháng 7, giá dầu thô của Nga đã vượt qua giới hạn giá 60 USD/thùng mà EU và G7 đưa ra vào tháng 12/2022. Số liệu của IEA cho thấy giá trung bình dầu Nga xuất khẩu qua đường biển tăng 8,84 USD lên 64,41 USD/thùng trong tháng trước.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ Megan Apper cho biết biện pháp trần giá vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Quan chức Mỹ lưu ý thêm rằng giá dầu Nga không vi phạm mức giá trần 60 USD/thùng của phương Tây nếu Moscow không sử dụng các dịch vụ vận chuyển nhiên liệu của nhóm G7.

Theo IEA, Nga được hưởng lợi từ giá dầu thế giới lên cao. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá giữa dầu Urals của Nga và dầu Brent đã được thu hẹp còn 4 USD/thùng.

Báo cáo của IEA nêu rõ: "Sự chênh lệch giá phản ánh căng thẳng nguồn cung ngày càng tăng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) giảm sản lượng và nhu cầu dầu Urals của Nga tăng mạnh sau thời kỳ bảo dưỡng các nhà máy".

Tháng trước, xuất khẩu dầu thô của Nga giảm do hạn chế sản xuất và tăng nguồn cung cho thị trường nội địa sau đợt bảo trì các nhà máy lọc dầu, con số này giảm 200.000 thùng xuống còn 4,6 triệu thùng/ngày.

Mặc dù xuất khẩu dầu thô giảm nhưng Nga lại tăng xuất khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, do đó nước này vẫn duy trì tổng lượng dầu xuất khẩu ở mức 7,3 triệu thùng/ngày như tháng 6.

IEA ước tính sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 7 đạt 9,4 triệu thùng/ngày, giảm 50.000 thùng so với tháng 6. Điều này đồng nghĩa họ vẫn tuân thủ cam kết giảm sản xuất của OPEC+.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga quyết định giảm nguồn cung khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng này và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới.

Dữ liệu của IEA cũng cho thấy sản lượng xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ giảm bớt nhưng hai nước này vẫn là điểm đến hàng đầu của “vàng đen” Nga.

Sau lệnh cấm vận cùng với việc áp giá trần với dầu Nga của nhóm G7, Moscow đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang mua dầu của Nga với mức giá ưu đãi mà Nga áp dụng từ năm ngoái. Việc giảm giá dầu nằm trong nỗ lực của Nga để mở rộng sang các thị trường mới sau khi Nga mất những khách hàng phương Tây vì lệnh trừng phạt sau xung đột Ukraina.

Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Ấn Độ và Trung Quốc trong tháng 6, theo báo cáo vừa được OPEC công bố tuần này.

Theo tính toán của OPEC, Nga chiếm gần 20% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6. Qua đó, Moscow duy trì vai trò nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Bắc Kinh trong 6 tháng liên tiếp

Nga cũng đã vượt Iraq, trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ trong năm ngoái. Nga chiếm 45% lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 6.