Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Trung Quốc phản ứng mạnh về gói trừng phạt mới nhất của Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Các quan chức ngoại giao cấp cao của Nga và Trung Quốc chỉ trích việc Washington áp đặt thêm gần 300 lệnh trừng phạt chống Moscow và Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass

Tass hôm 2/5 đưa tin, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế cường quốc của Mỹ.

"Chính phủ Mỹ dường như không hiểu rằng chính phủ và nhân dân Nga không thể bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế. Trên thực tế, sức ép từ các lệnh cấm vận đơn phương của Washington đối với các nước đang làm mất uy tín của chính nước Mỹ”.

Theo Đại sứ Antonov, Mỹ đang tìm cách "đe dọa các đối tác thương mại thông thường của Nga, bao gồm cả Trung Quốc. Nhà ngoại giao nhấn mạnh: “Việc Mỹ một lần nữa nhắm vào các công ty công nghệ cao, vận tải và năng lượng của Nga, đồng nghĩa với việc ‘hạ gục’ các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường”.

Cùng ngày, ông Liu Pengyu - người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của Washington.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng chính phủ nước này giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép (quân sự - dân sự) theo luật pháp và quy định, đồng thời cho rằng các tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga tuân theo quy tắc và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo ông Liu Pengyu, lệnh trừng phạt chống Nga của Washington ảnh hưởng tới 21 công ty Trung Quốc

Trước đó, hôm 1/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine. Danh sách chịu biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington bao gồm 29 cá nhân và hơn 250 pháp nhân từ một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cho biết, các lệnh cấm vận lần này chủ yếu nhắm vào lĩnh vực công nghiệp-quốc phòng của Nga.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng nghìn mục tiêu kể từ khi Nga thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Ngoài Trung Quốc, các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng nhắm đến các mục tiêu ở Azerbaijan, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Slovakia mà họ cáo buộc đã giúp Nga "có được công nghệ và thiết bị rất cần thiết từ nước ngoài".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ định 2 nhà khai thác tàu tham gia vận chuyển liên quan đến các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực của Nga.

Các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ đối với dự án LNG 2 Bắc Cực vào tháng 4 vừa qua đã buộc Novatek, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga, phải đình chỉ sản xuất do dự án thiếu tàu chở nhiên liệu.

Các công ty con của tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Nga Rosatom cũng như 12 đơn vị trong công ty Sibanthracite, một công ty Nga khác, cũng là đối tượng bị nhắm đến.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với hãng hàng không Pobeda của Nga, một công ty con của hãng hàng không Nga Aeroflot. Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã bổ sung hơn 200 máy bay Boeing và Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Thượng viện Mỹ ủng hộ lệnh cấm uranium của Nga

Theo đài RT, Thượng viện Mỹ hôm 30/4 đã “bật đèn xanh” cho dự luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga. Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua và hiện được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, trong năm 2022, Nga là nhà cung cấp uranium lớn nhất cho Washington khi chiếm 24% nguồn cung nhiên liệu này tại Mỹ. Nga hiện chiếm gần một nửa sản lượng uranium trên toàn cầu.

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Ảnh: RT
Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Ảnh: RT

Thượng nghị sĩ John Barrasso của bang Wyoming, cho biết: “Dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga sẽ giúp ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga, khôi phục hoạt động sản xuất uranium của Mỹ và khởi động đầu tư vào chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ”.

Theo dự luật này, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga đến tháng 1/2028. Dự luật cũng giải ngân 2,7 tỷ USD trong một đạo luật được thông qua từ trước để Mỹ xây dựng ngành công nghiệp chế biến uranium

Tờ Bloomberg dẫn lời ông Jonathan Hinze – Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường nhiên liệu hạt nhân UxC, cảnh báo rằng lệnh cấm của Mỹ có thể khiến giá uranium thế giới tăng khoảng 20%.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này vào tháng 12/2023. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng lên tiếng kêu gọi cấm nhập khẩu uranium, cho rằng đây là “ưu tiên an ninh quốc gia”. Theo thông báo của Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Biden lý giải rằng “sự phụ thuộc vào nguồn cung uranium từ Nga sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ”.

Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga sau khi chiến sự giữa nước này với Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Chính quyền Washington cùng một số quốc gia phương Tây áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, Mỹ chưa cấm nhập khẩu uranium Nga.