Những gì họ nói, họ mặc, họ ăn đều ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, hành vi tiêu dùng của một bộ phận công chúng. Nắm bắt tâm lý này, nhiều nhãn hàng, DN hợp tác với người nổi tiếng để thương hiệu được phổ biến rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, thời gian qua, không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ đã tham gia giới thiệu, mời chào hoặc quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc trong Nhân dân.
Nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Thậm chí, không ít nghệ sĩ đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì quảng cáo sai sự thật, sau khi được báo chí truyền thông phanh phui.
Đáng nói, Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo, mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu họ phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm, có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định về người có ảnh hưởng và trách nhiệm của họ, tuy nhiên luật này chưa quy định nghĩa vụ của người có ảnh hưởng trong việc truyền tải sản phẩm quảng cáo.
Bởi vậy, việc Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gửi Quốc hội được đánh giá là cần thiết để bổ sung các quy định nhằm siết việc người nổi tiếng, có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm tràn lan trên mạng.
Theo đó, trong tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng như thông báo trước cho người tiêu dùng việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung... trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Thế nhưng, việc người nổi tiếng phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp. Điều này cần có sự cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, những người quảng cáo là KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), nghệ sĩ và chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý, đáng tin cậy nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong quảng cáo nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của người quảng cáo, nhất là các nghệ sĩ và sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bên cạnh chế tài xử lý mạnh tay, để giải quyết tình trạng nghệ sĩ, người có ảnh hưởng quảng cáo không đúng chức năng sản phẩm, giải pháp căn cốt vẫn là đạo đức, trách nhiệm công dân của họ. Bởi, khi nghệ sĩ, người nổi tiếng ý thức được về trách nhiệm của mình, kiểm tra kỹ sản phẩm quảng cáo, đặt mình trong vai của người tiêu dùng thì sẽ không còn tình trạng quảng cáo sai công dụng, chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.