Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Sở Công Thương Hà Nội, tổ chức ngày 7/1.
Làm rõ những tồn tại...
Báo cáo của ngành ngành công thương cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2019, công nghiệp, thương mại trên địa bàn TP vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Hà Nội có thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có điều kiện để đưa hàng hóa quảng bá giới thiệu tại thị trường nước ngoài. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội cần đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh trong công tác quảng bá sản phẩm với tinh thần "Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng thừa nhận, đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện trình độ công nghệ, máy móc, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống lưới điện TP Hà Nội chưa đồng bộ, khả năng dự phòng lưới điện còn hạn chế. Bên cạnh đó, quá trình đầu tư xây dựng mới lưới điện gặp không ít khó khăn trong quá trình thỏa thuận quy hoạch, xác định vị trí TBA và hướng tuyến đường dây... “Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển lưới điện cao áp của TP Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế” - ông Thắng chia sẻ.
Nói về những hạn chế trong quá trình phát triển lĩnh vực thương mại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, việc thu hút đầu tư xây dựng một số hạ tầng thương mại trên địa bàn TP tuy có phát triển mạnh mẽ song tỷ lệ còn thấp so với quy hoạch đã được phê duyệt, phân bố chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn. Một số vị trí trong quy hoạch xây dựng hệ thống chợ, hạ tầng thương mại không còn phù hợp thực tế, quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng thương mại chưa được chính quyền địa phương quan tâm, bố trí; một số dự án bị chồng lấn vào các quy hoạch chuyên ngành khác. Một số loại hình hạ tầng thương mại mới đang hình thành và phát triển như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý cho việc quản lý hệ thống này.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2020, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ở lĩnh vực công nghiệp trên 8,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng trên 10,8% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án vào khu công nghiệp sẽ đôn đốc đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất.
Năm 2019, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng 7,62% tổng giá trị tăng thêm của TP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 trên địa bàn tăng 8,5%, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với thực hiện năm 2018, vượt mức kế hoạch 7,5 - 8%. |
Với lĩnh vực thương mại, hỗ trợ DN bán lẻ phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại theo hướng kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với kinh doanh online, kêu gọi đầu tư xây dựng mới 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 18 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi. Song song với việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng, quản lý hệ thống chợ truyền thống, ngành công thương Hà Nội tăng cường giải tỏa sắp xếp chợ cóc, chợ tạm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu và kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, Sở Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, trong năm 2020, ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng thực chất và tận dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình điện để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho Thủ đô. Với lĩnh vực thương mại, cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, cải tạo chợ và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng logistics, trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới máy bán hàng tự động. Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ưu tiên các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững.