Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành thư viện gặp nhiều thách thức trong thời đại 4.0

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/11, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo “Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tại Hội thảo, Bộ VHTT&DL cho biết đã thực hiện một cuộc điều tra vốn tài liệu điện tử đối với 106 thư viện. Kết quả, 98% thư viện có xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành trên vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Trong đó một số thư viện, trung tâm thông tin – thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thư viện TP Cần Thơ, Trung tâm Thư viện Đại học quốc gia Hà Nội.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trong quá trình xây dựng và vận hành, để tăng cường bổ sung cho vốn tài liệu điện tử/tài liệu số của mình, các thư viện cũng đã thực hiện mua, thuê quyền sử dụng tài liệu số do đơn vị bên ngoài cung cấp. Theo kết quả khảo sát, có khoảng 35% các thư viện có mua hoặc thuê quyền sử dụng từ các đơn vị cung cấp trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, qua một số tài liệu điều tra, số lượng tài liệu điện tử các thư viện điện tử còn chưa nhiều. Việc số hóa các tài liệu chủ yếu được thực hiện trong các thư viện là tài liệu nội sinh (tại các đại học, viện nghiên cứu), tài liệu hết bản quyền, tài liệu địa chí (thư viện công cộng).
Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra thêm các thách thức về an toàn thông tin, bảo mật. Đồng thời, môi trường thư viện hiện tại đòi hỏi nhân viên thư viện phải có nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ thư viện thông thường.
Theo Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga: “Trong kỷ nguyên số, hoạt động thư viện gắn liền với công nghệ thông tin đã định nghĩa lại vai trò của người làm thư viện và đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nhân lực thư viện trong các khía cạnh về trình độ quản lý, khả năng làm chủ công nghệ và triển khai các dịch vụ số. Mặt khác, thư viện cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao với những lĩnh vực khác, nơi có cơ hội phát triển cá nhân và thu nhập cao hơn. Thực tế trong những năm qua và hiện nay, thu nhập thấp là nguyên nhân của việc có nhiều người có trình độ khá về tin học và nghiệp vụ rời bỏ thư viện”.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa thư viện. Theo Bộ VHTT&DL: Trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào bao cấp trong hoạt động thư viện, dẫn đến cán bộ, thủ thư, nhân viên thư viện nhằm đến “biên chế”, sau đó “sống trọn đời” không đem thư viện đến người đọc, xuất hiện các hiện tượng quan liêu, hách dịch, cửa quyền... chưa đáp ứng được tinh thần phục vụ nhân dân. Để khắc phục tình trạng này phải xã hội hóa cao nhất, để thị trường quyết định sự tồn tại của các thư viện. Cơ chế thị trường không thể nuôi một thư viện mà không có người đến đọc, lãng phí xã hội vô cùng lớn”.