Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành văn hóa và những thiệt hại qua từng con số

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành Văn hoá đã và đang chịu ảnh hưởng lớn khi mọi hoạt động đều phải huỷ, hoãn hay tạm dừng. Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021 ngành đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng bên cạnh đó cũng là những thiệt hại không nhỏ được chỉ rõ qua từng con số.

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành văn hoá trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Ngọc Tú.

Ảm đạm vì Covid-19
Năm 2020, Việt Nam bắt đầu gánh chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên mọi lĩnh vực, ngành văn hoá rơi vào tình trạng “đóng băng”. Đến năm 2021, khi mọi thứ vừa mới bắt đầu manh nha thì đại dịch tiếp tục khiến mọi thứ đảo lộn. Theo như thống kê 6 tháng đầu năm của Bộ VHTT&DL, đại dịch Covid-19 đã làm lượng khách du lịch từ châu Âu tới Việt Nam giảm 99%. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhiều DN du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; hủy hoặc tạm dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá văn hóa, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, DN và cộng đồng người dân. Hiện tại, riêng các di tích lịch sử văn hoá tại Hà Nội vẫn phải đóng cửa không nhận khách mà chưa biết ngày có thể mở cửa trở lại. Nhìn chung, Covid-19 vẫn đang khiến ngành văn hoá đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng” khi mọi thứ bị ngưng chệ. 

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt, thực tế trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành văn hoá đứng trước thử thách rất lớn ở mọi mặt. “Hiện nay, một số đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ sau nhiều năm thực hiện tự chủ tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng đã xuống cấp trầm trọng, giá thuê các địa điểm biểu diễn đều tăng cao ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận.” – ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Lấy chuyển đổi số làm trọng tâm
Nhìn một cách tổng thể, không chỉ riêng ngành văn hoá mà các lĩnh vực khác đều gặp những khó khăn nhất định do dịch Covid-19. Thời gian qua, cả nước cùng chung tay vừa sản xuất vừa chống dịch để đảm bảo an sinh xã hội và ngành văn hoá cũng không nằm ngoài bức tranh chung. Có thể thấy, những thành tích đáng phải ghi nhận cho nỗ lực của ngành trong 6 tháng đầu năm như các đơn vị nghệ thuật T.Ư đã tổ chức dàn dựng 5 chương trình, phục dựng 5 chương trình, 186 buổi biểu diễn, hơn 1,3 triệu lượt người xem, số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTT&DL đang tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia của 5 ngành: Du lịch văn hóa; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo. Ngoài ra, đó là ĐTQG nam xuất sắc giành quyền thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 gồm 12 đội tuyển xuất sắc nhất châu Á, đội tuyển futsal Việt Nam xuất sắc giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch futsal thế giới tại Lithuania.
Khó khăn và những thử thách là điều được dự báo cũng như nhìn thấy trước của ngành văn hoá. Để có thể khắc phục, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngoài việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành văn hóa phải có sự thích ứng với thời cuộc, trong đó chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện 3 đề án: Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Triển khai thực hiện chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần tập trung vào để tháo gỡ điểm nghẽn đang mắc phải để đưa các lĩnh vực của ngành đạt được những mục tiêu trong khoảng thời gian còn lại của năm cũng như kế hoạch dài hơn.
“Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp cùng Bộ TT&TT thực hiện về công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Và xây dựng kế hoạch kích cầu thị trường du lịch nội địa ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đồng thời triển khai dự án Chuyển đổi số trong ngành du lịch, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu thông qua các kênh e-marketing” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.