Khi những kiến nghị về chênh lệch tiền lương, nhiên liệu thuộc gói thầu giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chưa được giải quyết thì đến đầu năm 2022, việc giá xăng dầu liên tục thiết lập những kỷ lục mới đã khiến công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT), đời sống của những công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn chồng chất
Chưa bao giờ ngành VSMT lại vất vả như bây giờ khi nhiều công nhân xin nghỉ việc do lương thấp, công việc nhiều, DN phải vay lãi ngân hàng để duy trì hoạt động… đó là những chia sẻ của đại diện nhiều đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP trong những năm gần đây.
Điều đáng nói, những khó khăn trên đã tồn tại từ giai đoạn 2017 - 2020 nhưng đến nay khi giai đoạn mới (2021 - 2023) đã trôi qua được 18 tháng nhưng vẫn chưa được xử lý kịp thời.
Đại diện các nhà thầu duy trì VSMT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, tại Khoản 5, Điều 67 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định: Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, việc điều chỉnh đơn giá được thực hiện từ thời điểm phát sinh yếu tố làm thay đổi đơn giá và chỉ áp dụng đối với khối lượng được thực hiện đúng theo tiến độ ghi trong hợp đồng.
Trong khi đó, Điều 20 Luật Giá 11/2012/QH13 về nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá trị thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Ngoài ra, tại phần hướng dẫn áp dụng tập đơn giá được ban hành kèm theo Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022 của UBND TP có nêu: “Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách hoặc có những biến động lớn về các chi phí dẫn đến thay đổi đơn giá Sở chuyên ngành được giao quản lý duy trì VSMT trên địa bàn TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở trình UBND TP xem xét, điều chỉnh”.
Theo đại diện các nhà thầu, trước tình trạng trên, đại diện các nhà thầu đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP kiến nghị xem xét bù chênh lệch đơn giá tiền lương, nhiên liệu. Đồng thời, Thành ủy, UBND TP cũng đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ nội dung trên. Tuy nhiên, thời điểm này, những kiến nghị trên vẫn chưa được trình lên UBND TP xem xét giải quyết dứt điểm.
Điều đáng nói, những khó khăn trên không chỉ tồn tại trong giai đoạn 2017 - 2020 mà đã và đang kéo dài sang gói thầu giai đoạn 2021 - 2023. Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh chia sẻ, theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022 giá xăng E95 thực hiện hiện gói thầu là 16.802,55 đồng/lít, giá dầu Diezel là 13.890 đồng/lít (trước thuế). Song, đến thời điểm này, giá xăng E95 đã tăng lên 32.870 đồng/lít và giá dầu Diezel đã tăng lên 30.419 đồng/lít (sau thuế) ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, người lao động và hoạt động của các DN.
Sớm tháo gỡ những khó khăn
Đại diện các nhà thầu duy trì VSMT trên địa bàn TP cho biết, theo nguyên tắc tính giá, tỷ lệ % chi phí nhiên liệu đầu vào cho các hạng mục như thu gom, vận chuyển rác, quét đường bằng xe cơ giới, tưới nước rửa đường sẽ chiếm từ 14 - 38% trong đơn giá. Do đó, việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã khiến các đơn vị thực hiện các gói thầu duy trì VSMT trên địa bàn TP phải chi thêm một khoản tiền lớn để mua nhiên liệu đảm bảo cho các xe cơ giới hoạt động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Thanh Trì Nguyễn Văn Thụy cho biết, để duy trì công tác đảm bảo VSMT trên địa bàn quận Hoàng Mai, mỗi ngày các đơn vị trên địa bàn phải chi thêm hơn gần 34 triệu đồng tiền nhiên liệu, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng. Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN và đời sống cán bộ công nhân, đặc biệt là những lao động phổ thông, những người hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn.
Được biết, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP, ngày 15/6 vừa qua, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 4069/SXD-KTXD gửi UBND TP đề xuất những biện pháp giải quyết những kiến nghị trên.
Cụ thể, tại văn bản do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công ký trình UBND TP Hà Nội kiến nghị giao Sở Tài chính - cơ quan thực hiện đấu thầu mua sắm theo phương thức tập trung, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp kinh phí chênh lệch tiền lương, nhiên liệu cho các gói thầu dịch vụ công ích VSMT giai đoạn 2017 - 2020, đề xuất báo cáo UBND TP. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư bố trí vốn thanh toán khối lượng phát sinh gói thầu duy trì VSMT trong giai đoạn 2017 - 2022 để thanh toán cho các đơn vị.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng tại một quận trên địa bàn TP chia sẻ, những khó khăn vướng mắc mà đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn quận đã và đang gặp phải, lãnh đạo quận cũng đã nắm được nhưng đến nay cũng không thể chi trả cho đơn vị duy trì VSMT vì thiếu chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan có liên quan.
“Khi có chỉ đạo, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để chi trả các khoản chi phí chênh lệch, nhằm đảm bảo hoạt động của DN, cuộc sống của người lao động, từ đó giúp họ yên tâm làm việc, góp phần xây dựng quận ngày càng xanh - sạch - đẹp” - lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư Xây dựng một quận trên địa bàn TP cho biết.
Sở Xây dựng đã có kiến nghị UBND TP giao Sở và Sở TN&MT cập nhật đơn giá duy trì VSMT với các yếu tố đầu vào (tiền lương, giá nhiên liệu, điện bình quân theo năm, không điều chỉnh các chi phí vật liệu khác) trong 12 tháng hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở quyết toàn khối lượng thực hiện năm đó. Đơn giá điều chỉnh được áp dụng để thanh toán cho khối lượng công việc thực hiện…