Nghị định 63 ra đời trong bối cảnh việc thực hiện dự án PPP theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế khiến các dự án PPP được triển khai trong thời gian qua không hiệu quả và các dự án PPP chưa hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) tư nhân.
|
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Hải Linh |
Không chỉ quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP, Nghị định 63 cũng quy định: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. “Yêu cầu này đưa ra nhằm sàng lọc năng lực tài chính của NĐT, tránh trường hợp DN không có khả năng huy động nguồn lực tài chính khiến dự án chậm triển khai, kéo dài như trong thời gian qua” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Nghị định 63 cũng quy định, chỉ được chuyển nhượng dự án BOT khi đã hoàn thành xây dựng một phần hoặc toàn bộ dự án và không được ảnh hưởng đến quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án. Trên thực tế, trước kia nhiều trường hợp sau nhiều lần mua đi bán lại, dự án vẫn án binh bất động, còn DN dự án thì gần như đã "thay ruột", đồng nghĩa dự án đã đổi chủ.
Chưa đảm bảo lợi ích các chủ thểĐể khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, song không bắt buộc phải công bố rộng rãi những nội dung thông tin này, thay vào đó là “khuyến khích” việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Theo TS Phan Minh Ngọc, đây là một bước tiến nửa vời.
"Nghị định 63 mới chỉ giải quyết vấn đề tình thế, đặt ra một số nguyên tắc quan trọng cho việc triển khai các dự án BOT từ nay về sau, chứ không đề cập việc giải quyết những bất cập hiện nay. Nếu khắc phục được những tồn tại, hạn chế, tạo ra môi trường đầu tư công khai, minh bạch thì sẽ thu hút được các NĐT có tiềm lực, làm ăn chân chính." - TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam |
Bên cạnh đó, Nghị định 63/2018 không còn “thuật ngữ” chỉ định thầu dự án PPP. Thay vào đó, Điều 37 Nghị định 63 quy định việc lựa chọn NĐT được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Song theo Luật Đấu thầu 2013, các dự án vẫn có thể được chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt, như mang tính cấp bách, đảm bảo bí mật Nhà nước... và những dự án chỉ 1 NĐT tham gia. Đây là những bất cập mà tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT được nhiều ĐB phản ánh, nhiều dự án giao thông được chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp hoặc dự án BOT không thể đấu thầu do chỉ có 1 NĐT quan tâm.
Điều 39 của Nghị định 63 quy định “Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT và kết quả đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức việc ký kết hợp đồng dự án”, nhưng lại không quy định rõ ràng về quá trình đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. “Đây cũng chính là rủi ro mà các NĐT, DN phải chịu. Sẽ có hai hệ quả: Thứ nhất, những NĐT chân chính, có năng lực lo sợ rủi ro cao và ít quan tâm. Thứ hai, cơ chế “khép kín” như vậy tạo ưu thế cho DN thân hữu”- TS Phạm Quang Tú - chuyên gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam bình luận.
Nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ cho NĐT, được xác định “trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và NĐT” mà không có quyền lợi của người dân. TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, Nghị định 63 vẫn chưa giải quyết 3 lợi ích căn bản của NĐT, người dân và Nhà nước. Với nghị định mới này, các giải pháp căn cơ để giải quyết tồn tại, những lỗ hổng trong hoạt động đầu tư theo hình thức PPP và hệ lụy của nó dường như vẫn không rõ ràng. Việc xây dựng một đạo luật riêng cho PPP cần thiết được khởi động sớm.q