Theo thông báo từ cả Washington và Bắc Kinh, hai bên đã tổ chức 8 giờ đàm phán, trong 2 ngày 10 và 11/5, tại thủ đô của Áo, với bối cảnh căng thẳng gia tăng, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Cả hai bên đều mô tả cuộc gặp không báo trước này là "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng", về 2 chủ đề mà Nhà Trắng gọi là "hai trong số những chủ đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ băng giá" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm cuộc chiến Nga-Ukraine và vấn đề Đài Loan.
Washington đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc không cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Nga, trong khi theo dõi chặt chẽ các động thái của nước này đối với Đài Loan - nơi Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã cho biết ông Vương "đã giải thích một cách toàn diện về lập trường nghiêm túc của Trung Quốc" đối với Đài Loan, đồng thời cho biết thêm rằng hai nhà ngoại giao "đã đồng ý tiếp tục sử dụng tốt kênh liên lạc chiến lược này".
Trong một cuộc họp báo ngắn hôm 11/5, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc gặp Sullivan - Vương Nghị là một bước tiến lớn của ngoại giao hai nước thời điểm này.
AFP dẫn lời quan chức này cho biết, hai nhà ngoại giao cũng đã thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó trợ lý hàng đầu của Tổng thống Joe Biden đã thúc giục ông Vương hợp tác tốt hơn trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy.
Washington cho biết các công ty Trung Quốc là bên đã và đang cung cấp các hóa chất mà các băng đảng ma túy Mexico sử dụng để sản xuất thuốc giảm đau fentanyl - nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong do dùng thuốc quá liều tăng đột biến ở Mỹ.
Về vấn đề Đài Loan, quan chức này cho biết Mỹ nhấn mạnh rằng hai bên đã quản lý vấn đề này "hơn 40 năm mà không có xung đột", và rằng Washington không muốn thấy bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với "hiện trạng".
Việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc hồi đầu năm nay khi bay qua không phận nước này - sự cố mà Trung Quốc coi là một tai nạn nhưng Washington coi là một hành động gián điệp - đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến đi đã lên kế hoạch từ lâu để gặp người đồng cấp của mình ở Bắc Kinh.
Sự "tan băng" ngoại giao rõ ràng ở Vienna đã làm dấy lại những đồn đoán về việc sắp xếp lại lịch trình chuyến thăm của ông Blinken, hoặc thậm chí là một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lần gần nhất hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trực tiếp với nhau là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Biden hôm 11/5 cho biết tình hình đã có tiến triển.