Hào hứng với xe buýt
Trước áp lực tăng dân số cũng như điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, việc xóa “vùng trắng” xe buýt ở khu vực ngoại thành để giảm phương tiện cá nhân di chuyển vào nội thành là chuyện đã được các cơ quan chức năng TP Hà Nội nỗ lực thực hiện và đạt hiệu quả nhất định.
Từ khi có tuyến xe buýt 6E kết nối xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên với Bến xe Giáp Bát, đây trở thành phương tiện di chuyển chính của anh Phạm Văn Đàm. Làm việc tại một xưởng cơ khí trên địa bàn quận Hoàng Mai, mỗi ngày anh Đàm di chuyển 2 lượt bằng xe buýt với tổng chiều dài quãng đường 50km.
Anh Đàm chia sẻ, chi phí đi làm bằng xe buýt cả tháng chỉ bằng nửa ngày công, vừa tiết kiệm lại vừa có thể ở gần gia đình. Anh Đàm cho rằng, các tuyến xe buýt nối dài về các xã ngoại thành đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
“Trước đây, tôi thuê trọ ở Hoàng Mai để tiện đi làm vì quãng đường khá xa. Mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe khách đi từ nhà qua chỗ làm hoặc đi xe máy nên việc đi lại rất khó khăn. Từ ngày có xe buýt, tôi về nhà ở, vừa gần gũi gia đình lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí” - anh Đàm nói.
Tương tự, chị Lê Thị Thúy trú tại huyện Ứng Hòa, chia sẻ: “Tôi sử dụng xe buýt tuyến 102 để đi làm hằng ngày trên địa bàn quận Hà Đông. Trước đây, việc đi làm mà về trong ngày dường như là điều không thể, tuy nhiên, có xe buýt hoạt động liên tục đã khiến việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều”.
Theo chị Lê Thị Thúy, việc có xe buýt kết nối các huyện ngoại thành đã hỗ trợ người dân đi lại thuận tiện, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển kinh tế. Không chỉ thế, nhiều người già, trẻ nhỏ di chuyển vào nội đô cũng dễ dàng hơn.
“Đi xe buýt rất an toàn, lại tránh được mưa nắng, bụi đường. Ưu điểm nổi bật khác là giá vé đi xe buýt rẻ hơn hẳn so với hầu hết các phương tiện cơ giới khác” - chị Lê Thị Thúy cho hay.
Ông Ngô Văn Hùng - Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu cho biết, ở khu vực ngoại thành không chỉ vé lượt, lượng vé tháng trên các tuyến mới tăng khá nhanh, vé tháng liên tuyến cũng ngày càng có nhiều người mua. Điều đó cho thấy hành khách ở các khu vực này thật sự hào hứng với mạng lưới xe buýt của TP.
"Xe buýt kết nối ngoại thành không chỉ thuận tiện hơn cho người dân đi lại mà đang góp phần giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được Nhân dân và chính quyền các địa phương có tuyến buýt đi qua đánh giá cao” - ông Ngô Văn Hùng chia sẻ.
Theo ông Ngô Văn Hùng, một ý nghĩa nữa mà các tuyến xe buýt trợ giá ngoại thành đạt được là làm thay đổi thói quen của nhiều học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp đi xe máy từ ngoại thành vào và lưu trú luôn trong nội thành. Giờ đây, người dân có thể đi - về ngay trong ngày, vừa giảm áp lực giao thông, vừa giảm áp lực về lưu trú khu vực nội thành.
Liên tục điều chỉnh
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Hà Nội hiện có 148 tuyến xe buýt. Trong đó, 126 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.
Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; trong đó 510/579 số xã, phường thị trấn đã có xe buýt, đạt 88,1%. Bên cạnh đó, xe buýt kết nối với 6 tỉnh, thành lân cận là Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình.
Trong năm 2022, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách, chỉ bằng khoảng 60% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu cho vận tải hành khách công cộng giải quyết được 21,5 - 23% nhu cầu đi lại của Nhân dân nhưng thực tế chỉ đạt được 18%. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách sử dụng xe buýt tăng đáng kể tuy nhiên, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, chính sách xóa “vùng trắng” xe buýt của Hà Nội đã và đang đạt được những hiệu quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nhiều người đi xe buýt vào nội đô, nhu cầu của người dân dọc các hành lang tuyến tăng lên đòi hỏi liên tục có những bước điều chỉnh như: Rà soát lại các vị trí tiếp cận, điểm dừng đỗ chưa hợp lý; củng cố lại hạ tầng cho xe buýt; lập thêm các điểm bán vé ở khu vực ngoại thành để người dân dễ tiếp cận…
Do đặc thù của người dân ngoại thành là sống phân tán, việc tiếp cận xe buýt khó khăn vì muốn di chuyển từ nhà tới điểm dừng để chờ phải đi xe máy khá xa. Do vậy, cần có những tuyến xe buýt nhỏ kết nối sâu hơn, rộng hơn nữa với các huyện ngoại thành.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
“Khi nhu cầu tăng cũng phải nâng cấp dịch vụ, tăng tần suất. Tuy nhiên, việc tăng tần suất cho các khu vực ngoại thành sẽ khác so với khu vực nội thành bởi quy luật đi lại của hành khách khác nhau. Phải nắm được quy luật đi lại của người dân dọc hành lang hay đi - về giờ nào để điều chỉnh, mở rộng khung giờ mở - đóng bến cho phù hợp. Chỗ nào cần thì tăng tần suất vào các khung giờ hợp lý. Chỗ nào không cần thì phải giảm dịch vụ” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.
Còn theo Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu Ngô Văn Hùng, hạ tầng dành cho xe buýt cũng đang là rào cản khá lớn để người dân tiếp cận xe buýt dễ dàng hơn khi nhiều khu vực điểm chờ bụi bặm; không có vỉa hè nên hành khách phải đứng ngay dưới lòng đường; đường sá nhỏ, xe buýt đi lại khó khăn… Bên cạnh đó, văn hóa sử dụng xe buýt, tham gia giao thông của một số người dân chưa được cao.
Do vậy, ông Ngô Văn Hùng cho rằng, để xe buýt ngoại thành thực sự là phương tiện thu hút người dân đi lại, cần nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ từ phía DN cũng như sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong thời gian tới, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục cân đối nguồn lực để tăng cường ứng dụng công nghệ, sản phẩm phần mềm vào công tác quản trị và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi xe buýt. Từ đó, góp phần phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, hướng tới một hệ thống vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại.