Người bệnh cần được hiểu đúng bệnh của mình

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, chúng tôi đọc trên trang cá nhân của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và được biết về một câu chuyện dở khóc, dở cười, hay nói đúng hơn là may mắn cho một cậu bé nghèo.

Chuyện là khi bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu gặp một cậu bé 9 tuổi, đi với các cô chú của Hội Chữ thập đỏ, không có người thân trong gia đình đi kèm nhưng rất tự tin bắt tay bác sĩ.

Khi bác sĩ hỏi cháu bị bệnh từ khi nào, cậu trả lời rành mạch “con bị lâu lắm rồi, hở van 3 lá”.

Bác sĩ Hiếu khám lâm sàng cho cậu bé và biết gần như chắc chắn quả tim hoàn toàn bình thường. Để cẩn thận, ông làm thêm siêu âm và điện tim đồ, van 3 lá có hở rất nhẹ nhưng đó là hở van sinh lý gặp ở tất cả những người bình thường.

Về tình trạng trái tim của cậu bé, bác sĩ Lân Hiếu cho biết: “Nói nôm na cho dễ hiểu, các van tim như cánh cửa, đóng mở phải có “độ rơ” nhất định. Rất nhiều các bậc phụ huynh đọc kết quả siêu âm thấy bác sĩ ghi ở mục mô tả van tim (hai lá, ba lá, động mạch phổi) có hở mức độ nhẹ hoặc đánh dấu (+), lo lắng thậm chí mặc định trong đầu con mình bị bệnh tim mạch. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất hay mắc vào tình huống này”.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khuyên các đồng nghiệp trẻ, rằng không nên ghi kết luận là “hở van hai lá nhẹ vì gây lo lắng cho người bệnh”.

Bác sĩ Hiếu kể, ông còn gặp hai trường hợp tương tự, được kết luận “hở van 3 lá nhẹ” cùng một đơn thuốc … bổ! Ông nói: “Đặt địa vị mình vào phụ huynh của các em chắc chúng ta sẽ hiểu, mất công sức, tiền bạc, thời gian đã là một nhẽ, nỗi ám ảnh con bị tim bẩm sinh là điều đáng sợ nhất”!

Người nhà chúng tôi cũng đã gặp trường hợp tương tự. Một nữ giáo viên ở Gia Lai đi khám bệnh và được kết luận là bị hở van tim nhẹ. Chị cầm lấy sổ khám bệnh và đơn thuốc rồi về nhà. Hết thuốc, chị lại đi tái khám và cho kết quả tương tự.

Chị và chồng chị vô cùng lo lắng và xuống TP Hồ Chí Minh nhờ một chuyên gia tim mạch khám.

Bác sĩ này sau khi khám và cho siêu âm, điện tim... và nói với chị: “Tim của chị bình thường; hở van tim nhẹ là chuyện sinh lý thường thấy không có gì để lo lắng”. Bác sĩ này chỉ vào người nhà đi cùng bệnh nhân: “Anh này cũng có thể bị hở van tim nhẹ, không phải bệnh đâu nhé”.

Khám xong, cô giáo như khỏe hẳn ra.

Không chỉ có chuyện trái tim, nhiều chuyện tương tự cũng đã xảy ra, hầu hết là do người được khám không hiểu biết, thầy thuốc vì nhiều lý do trong đó có chuyện bận bịu nên giải thích không rõ. Đây là điều bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã nhắc nhở đồng nghiệp, rằng không nên khiến bệnh nhân hiểu lầm, lo lắng.

Ngoài ra, theo chúng tôi, khi đi khám bệnh, bệnh nhân cũng nên hỏi thêm bác sĩ khám, đại loại như: bệnh của tôi như vậy là sao, phương pháp điều trị như thế nào, khi nào sẽ khỏi?... Theo các chuyên gia, với vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như chuyện mổ xẻ, người bệnh nên tham vấn vài bác sĩ khác nữa để cuối cùng có sự lựa chọn chính xác nhất.

Mong rằng, ngoài chuyện dùng chuyên môn để khám - chữa bệnh cho người dân, các thầy thuốc nên đặt vị trí của mình vào vị trí của người bệnh để có những tư vấn, lời khuyên dễ hiểu nhất, tránh lo lắng, thậm chí phí tổn tiền bạc cho họ.