Ngày 23/2, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong chủ trì Hội nghị Triển khai thực hiện công tác điều dưỡng người có công với cách mạng TP Hà Nội năm 2024.
Theo đó, năm 2024, toàn TP Hà Nội có 58.595 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe từ nguồn kinh phí Trung ương và kinh phí TP Hà Nội.
Đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo chính sách của Trung ương gồm có: Người có công với cách mạng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, I, k khoản 1 Điều 3; khoản 1, khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo chính sách đặc thù của TP, gồm: Người có công với cách mạng quy định tại các điểm đ, e, g, h, I, k khoản 1 Điều 3 (trừ các đối tượng quy định tại các điểm g, h, I có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên); Khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần, trong năm không thực hiện chính sách điều dưỡng của trung ương thì được hưởng chế độ điều dưỡng theo chính sách đặc thù của TP.
Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng/1 người/1 lần, bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng...
Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được hỗ trợ (bằng tiền mặt) khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/1 lần.
Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đăng ký điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà được hỗ trợ mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng/1 người/1 lần.
Trong tổng số 58.595 đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe năm 2024 có 31.871 người hưởng chế độ từ nguồn kinh phí Trung ương; 26.724 người hưởng chế độ từ nguồn kinh phí TP Hà Nội.
Thời gian thực hiện của 1 đợt điều dưỡng tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội là 6 ngày/đợt (không kể thời gian đi và về); tại các cơ sở ngoài trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của TP Hà Nội là 5 ngày/đợt (không kể thời gian đi và về). Các đơn vị hoàn thành công tác điều dưỡng trước ngày 10/12/2024.
Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà được thực hiện đối với trường hợp chưa thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung; tuổi cao, sức yếu do thương tật, bệnh tật nặng, không có khả năng tự phục vụ được bản thân. Thời gian chi trả chế độ điều dưỡng tại nhà xong trước ngày 10/12/2024.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết, theo quy hoạch của Trung ương thì TP Hà Nội có 5 trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Do đó các chỉ tiêu điều dưỡng được phân bổ đều về các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của TP Hà Nội. Về kinh phí thực hiện, theo quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2024, mức điều dưỡng tăng lên thành 2.055.000 đồng.
Sở LĐTB&XH Hà Nội đề nghị lãnh đạo các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công phối hợp với các quận, huyện thực hiện tốt việc rút kinh phí để tổ chức thực hiện cũng như cấp kinh phí cho các đối tượng điều dưỡng tại trung tâm hay tại nhà được thuận lợi nhất.
Các trung tâm xây dựng cụ thể chương trình triển khai thực hiện phải rõ ràng từng khâu, phân công người thực hiện, các chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe hàng tuần,... Đồng thời có phương án chủ động cũng như dự phòng để đảm bảo công tác điều dưỡng người có công và thân nhân liệt sĩ đạt kết quả tốt nhất.