Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân Tây Mỗ đón Tết Kỷ Hợi với chất lượng không khí tốt nhất Thủ đô

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp báo cáo chỉ số AQI từ ngày 3/2 - 9/2 tại TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí tại Thủ đô tiếp tục được cải thiện trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019.

Theo kết quả thống kê, không còn AQI ở mức xấu, số ngày AQI đạt mức tốt tăng, ở mức kém giảm mạnh. Chỉ có duy nhất 1 ngày AQI chạm mức kém (với AQI = 102), ghi nhận tại trạm giao thông Phạm Văn Đồng vào ngày chủ nhật 3/2. Nhưng nhìn chung, chất lượng không khí trong tuần vẫn chủ yếu ở mức trung bình. Tây Mỗ là khu vực có chất lượng không khí tốt nhất trong tuần qua, với chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt là chủ yếu.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chất lượng không khí tiếp tục được cải thiện trong tuần này. Điển hình, trạm Tây Mỗ có số ngày AQI ở mức tốt cao với 71,4%; tiếp đến là Tân Mai (57,1%), Mỹ Đình (42,9%), Kim Liên (28,6%) và Trung Yên 3 (14,3%); còn lại AQI ở mức trung bình.
Đối với 2 điểm quan trắc giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, tương tự các trạm nền đô thị, chất lượng không khí tại cả hai trạm cũng tiếp tục được cải thiện, chỉ số chất lượng không khí khá thấp, không còn ngày nào AQI chạm mức xấu. Trong tuần này, tại cả 2 trạm đều xuất hiện 1 ngày AQI đạt mức tốt vào ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán, chiếm 14,3%; tại trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày AQI chạm ngưỡng kém chiếm 14,3%; còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 80 và 102.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, cũng có diễn biến tương tự các trạm khác; số ngày AQI ở mức tốt tại 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công tăng lên lần lượt là 42,9% và 14,3%, còn lại AQI ở mức trung bình; riêng trạm Hàng Đậu 100% số ngày AQI ở mức trung bình.
Có thể thấy, trong tuần này bầu không khí tại Hà Nội khá sạch sẽ. Nguyên nhân do đây là thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán, khi mà số dân và lượng phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể, nồng độ các chất ô nhiễm thải ra môi trường giảm, đồng thời điều kiện khí tượng nắng ấm khá thuận lợi, gió nhẹ, có sự khuấy trộn không khí theo chiều dọc, các chất thải khói bụi có thể khuếch tán lên cao, nên chỉ số chất lượng khá thấp, đặc biệt vào các ngày 6/2, 7/2 và 8/2. Tuy nhiên, từ sáng sớm ngày 9/2, người dân bắt đầu đổ về Thành phố, phương tiện lưu thông tăng, nồng độ và chỉ số AQI cũng bắt đầu tăng.
Có thể dự đoán, vào tuần sau khi kết thúc kỳ nghỉ nghỉ Tết Nguyên Đán, người dân bắt đầu làm việc trở lại Thành phố làm việc, lượng phương tiện tham giao thông gia tăng, chất lượng không khí sẽ có xu hướng giảm.