Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Hà Nội đi theo kháng chiến

Nguyễn Quang (Câu lạc bộ Thăng Long)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày cuối năm 1946, đầu 1947, được biết tình hình là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ lâu dài, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc: “Tản cư là yêu nước”, nhiều gia đình ở Hà Nội quyết định đi tản cư lên Thái Nguyên (Việt Bắc).

Gia đình ông Nguyễn Quang tại Thái Nguyên năm 1950. Ảnh: NVCC
Gia đình ông Nguyễn Quang tại Thái Nguyên năm 1950. Ảnh: NVCC

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2022), báo Kinh tế & Đô thị giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ông Nguyễn Quang (thành viên của Câu lạc bộ Thăng Long) chia sẻ về những kỷ niệm không quên trong những ngày tháng lịch sử đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 12/1946, thực dân Pháp liên tục gây hấn tại Thủ đô Hà Nội áp đặt sự cai trị Việt Nam và Đông Dương một lần nữa. Trước tình thế đó, với quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cùng Nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Khi đó, gia đình tôi ở tại số 10 Bạch Mai, đầu ô Cầu Dền. Tất cả các nhà ở đầu ô Cầu Dền đều thực hiện chủ trương tự đục một mảng tường liền kề giữa 2 nhà để làm đường giao thông cho lực lượng tự vệ chiến đấu, một số các cửa ô ra ngoại thành ta đều lập chiến lũy để ngăn xe tăng của quân Pháp, trong đó gia đình tôi cũng đã tình nguyện đưa sập gụ, tủ chè hoành phi, câu đối góp phần làm chiến lũy ở đầu ô Cầu Dền, cuộc chiến ngày căng gia tăng ác liệt. Hai ông anh cả và thứ hai đều tham gia tự vệ cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Được biết tình hình là cuộc kháng chiến sẽ lâu dài. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc: “Tản cư là yêu nước”, gia đình tôi quyết định đi theo kháng chiến, tản cư lên Thái Nguyên (Việt Bắc) vì coi đây là nơi an toàn hơn. Đầu tháng 1/1947, gia đình tôi thực hiện kế hoạch đi lên Thái Nguyên với nhiều khó khăn, gian khổ. Một hành trình đi bộ từ Hà Nội lên Thái Nguyên, ra đi vào lúc đang có chiến sự, rất vội vã nên chỉ thu gom được một số quần áo, chăn màn và nồi xoong. Cả gia đình tôi lúc ấy có 10 người gồm bố mẹ và 8 anh chị em. Lúc ấy tôi 9 tuổi, sau là chú em 6 tuổi phải cõng, và một chú hơn 3 tuổi phải ngồi trong thúng một đầu quang gánh… Với hành trình ngày đi, đêm ngủ trọ kéo dài gần 4 ngày đêm, đây là một cuộc thử sức lớn lao với gia đình chúng tôi.

Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống mới hoàn toàn khác biệt tại một làng thuần nông ở thôn Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (cách thành phố Thái Nguyên 5km). Được ông chủ nhà tốt bụng cho mượn lâu dài 1 ngôi nhà lá vách đất 2 gian, nhà tôi 1 gian, nhà ông chú tôi 1 gian, ngăn ở giữa là tấm phên nứa. Thời gian đã trôi qua 3 tháng, bệnh sốt rét ập tới, cả nhà bị bệnh sốt rét, lúc đó chỉ có 1 phương thức chữa bệnh là uống viên thuốc Ký Ninh vàng khè, đắng ngắt. Gia đình chúng tôi lâm vào hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc… Càng đau buồn hơn khi chỉ mấy tháng sau ông bố tôi mất ở độ tuổi 51 vì thiếu thuốc. Bản thân tôi lúc ấy ốm nặng, chỉ nhìn đám tang của bố mình qua cửa sổ song tre…Lúc đó mọi thứ thật bi đát. Nhưng rồi cùng với thời gian, gia đình tôi đã vượt qua đau thương và dần ổn định. Ba anh em tôi tiếp tục đi học ở các trường tiểu học và trung học.

Gia đình tác giả Nguyễn Quang chụp ảnh lưu niệm cùng ông Tạ Quang Chiến tại Thái Nguyên năm 1950. Ảnh: NVCC
Gia đình tác giả Nguyễn Quang chụp ảnh lưu niệm cùng ông Tạ Quang Chiến tại Thái Nguyên năm 1950. Ảnh: NVCC

Tôi có người anh họ là bác Tạ Quang Chiến, thỉnh thoảng ở ATK về thăm hỏi và động viên gia đình chúng tôi. Bác Tạ Quang Chiến từng có 12 năm là cận vệ của Bác Hồ, vinh dự là một trong 8 chiến sĩ cận vệ được Bác Hồ đặt tên, cùng với các đồng đội là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Cả gia đình tôi luôn mong nhớ Hà Nội da diết, hằng ngày theo dõi sát sao báo Cứu quốc đợi ngày chiến thắng để trở về, với một tâm niệm rằng “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi”.