Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Nguồn sức mạnh cho khát vọng phát triển

Trần Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những bài học quan trọng được đúc kết từ thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường.

Trong 77 năm qua, tinh thần, ý chí ấy vẫn luôn là phương châm, là giải pháp để giữ vững độc lập dân tộc và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước hùng cường. Đó là quan điểm được GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

“Lấy sức ta giải phóng cho ta”

Cách đây tròn 77 năm (19/8/1945 - 19/8/2022), Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền để vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà cả lịch sử thế giới, trở thành biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thưa GS, đâu là yếu tố làm nên thành công này?

Nguồn sức mạnh cho khát vọng phát triển - Ảnh 1

- Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”. Đây đã trở thành một luận điểm xuyên suốt trong Cách mạng tháng Tám, tạo nên sự chủ động, linh hoạt trong xác định và hoàn thiện đường lối chính trị, phương thức tiến hành, chuẩn bị lực lượng, nắm bắt và tận dụng triệt để thời cơ để giành chính quyền về tay Nhân dân một cách trọn vẹn.

Qua nghiên cứu có thể thấy, để đi đến Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng suốt 15 năm: “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931 - 1935, chuẩn bị cả cao trào 1936 - 1939 và đặc biệt 1939 - 1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị các mặt, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám đã để lại bài học quý báu, trong đó có bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công – nông - trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

Như vậy, chính tinh thần đoàn kết toàn dân, sự tự lực, tự cường đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, đủ sức làm nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám. 77 năm nhìn lại, theo GS, tinh thần tự lực và tự cường của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Nhân dân ta đã để lại những bài học nào?

- Trước hết, nói về ý chí tự lực, tự cường, chúng ta cần thấm nhuần một số luận điểm nổi bật, trong đó là phải tự mình phấn đấu để mạnh lên, không trông chờ, lệ thuộc vào lực lượng bên ngoài; là giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, không bị chi phối bởi các tác động bên ngoài và luôn chủ động, năng động, đổi mới, sáng tạo để phát triển về mọi mặt.

Trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, tuy ít, nhưng đó là những “vàng mười”, lại được cộng hưởng sức mạnh từ hàng triệu triệu người dân Việt Nam yêu nước ủng hộ, trong đó có Mặt trận Việt Minh rộng khắp với nòng cốt là liên minh công nông trí. Nói cho rõ hơn nữa là Đảng đã khơi đúng nguồn, quy tụ sức mạnh lại theo một véctơ lực từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong biển người Tổng Khởi nghĩa của Cách mạng mùa Thu năm 1945 vươn tới độc lập, tự do, ngoài công – nông - trí ra, chúng ta còn thấy cả những địa chủ, tư sản dân tộc yêu nước tham gia.

Đó là lực lượng kết tinh từ niềm tin, từ mọi phía để đi đến cái đích cùng chung tay xây dựng cơ đồ mới cho dân tộc. Nếu Đảng không làm được như thế thì không thể có được thác lũ trùng trùng lớp lớp của mùa Thu năm ấy cuốn phăng ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ chính trị hoàn toàn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Chế độ cộng hòa dân chủ, tiến bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sức mạnh toàn dân, nội lực đó là sức mạnh từ số đông – đông đến mức biên độ tập hợp đáng kinh ngạc. Sức mạnh đó là vô biên và bền chắc vì Đảng và Bác Hồ hướng đúng đích. Nó là sự biểu đạt giá trị văn hóa của chủ nghĩa yêu nước hàng nghìn năm của dân tộc được thăng hoa vào cái thời điểm khi thời cơ đến để lay động mọi con tim đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa đưa dân tộc ta đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ cuộc Cách mạng tháng Tám, đất nước ta, dân tộc ta, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tiếp nối tinh thần đó để lần lượt đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ đó, chúng ta đã được bạn bè thế giới giúp đỡ về rất nhiều mặt. Từ sự giúp đỡ đó, hơn hết là sức mạnh nội sinh được phát huy đã tạo nên động lực tinh thần và sức mạnh vật chất lớn lao để chúng ta chiến thắng kẻ thù. Chúng ta đã chiến thắng bằng chính sức mình và bằng cách thức của mình.

Pano trang trí chào mừng 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022). Ảnh: Công Hùng
Pano trang trí chào mừng 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022). Ảnh: Công Hùng

Tự lực, tự cường không có nghĩa là tự thu hẹp

Nhiều ý kiến đã cho rằng, động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển. GS nhận định như thế nào về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển của đất nước trong 77 năm qua, kể từ Ngày độc lập?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề tự lực, tự cường. Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”… Như vậy, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn cần phải tự lực, tự cường, không chỉ trong kháng chiến, mà cả trong xây dựng đất nước.

Lịch sử cũng cho thấy, khát vọng phát triển đã thể hiện từ lâu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “ham muốn tột bậc” cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cao hơn, đó là khát vọng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới như lời mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc, đó là khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; là khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu.

Qua các nghiên cứu, tôi thấy rằng, dân tộc muốn cường thịnh, thì phải có ý chí tự lực, tự cường. Nhưng nếu khát vọng chỉ thể hiện trên giấy với những lời lẽ hoa mỹ, những câu khẩu hiệu, thì khát vọng ấy là khát vọng suông. Rất mừng rằng, 77 năm trôi qua, có lúc sự tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam cũng đầy trắc trở, nhưng với công cuộc đổi mới, con người Việt Nam đã năng động hơn, tự tin hơn với đường đi nước bước, hợp lý hơn để phát triển.

Nói cách khác, nhận thức đang biến thành hành động cách mạng, đang đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả tích cực. Khát vọng không chỉ còn là khát vọng, đang biến thành hành động cách mạng kiên quyết để biến thành hiện thực. Chúng ta đang xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Thành quả cách mạng thực tế trên từng lĩnh vực là thước đo chính xác nhất trong việc biến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực.

Pano Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Duy Khánh
Pano Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Duy Khánh

Như Giáo sư vừa phân tích, có thể thấy rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là khát vọng, mà là sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng.

Vậy xét trong bối cảnh hiện nay, theo GS, ý chí tự lực, tự cường của đất nước ta cần phải tiếp tục được phát huy như thế nào để thực hiện các mục tiêu phát triển?

- Ý chí tự lực, tự cường của đất nước ta hiện nay được đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Theo đó, đất nước phải tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; Việt Nam là bạn của tất cả các nước, là đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phải kết hợp với sức mạnh của quốc tế. Theo tôi, chúng ta được cộng hưởng của tất cả các sức mạnh từ bốn phương tám hướng, nhưng như thế không có nghĩa là ngồi đấy mà chờ. Nếu thụ động thì không xứng đáng có sức mạnh và có chỗ đứng bình đẳng trong một thế giới đầy năng động, không kém phần phức tạp.

Tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế nhưng giữ vững cốt cách, đặc tính của dân tộc mình; phải giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc; tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập mình, đồng thời cũng không được phép ỷ lại sự giúp đỡ của các nước khác, không đánh mất chính mình. Đó là quan điểm đã và đang được nhấn mạnh và thực thi. Theo tôi, nay chúng ta cũng đang chú ý thêm một số điểm, đó là: Tự lực, tự cường không có nghĩa là tự co mình lại trong thế giới toàn cầu hóa. Nếu như vậy là đi ngược lại xu thế phát triển.

Do vậy, phải quảng giao hơn nữa theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tứ hải giai huynh đệ”, nghĩa là bốn biển đều là anh em. Ý chí tự lực, tự cường đi đôi với bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không để một tấc đất rơi vào tay kẻ khác. Còn hợp tác quốc tế để phát triển bền vững là phải trên cơ sở nhận và cho, để biến ngoại lực thành nội lực; tăng cường năng lực cạnh tranh để phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, vừa hợp tác, vừa đấu tranh với sự cạnh tranh gay gắt, với sự thao túng của các nước lớn trong các mối quan hệ, chỉ có tự lực, tự cường theo tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế thì đất nước mới phát triển một cách bền vững.

Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Công Hùng  
Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Công Hùng  

Chúng ta kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh cũng là thời điểm cả nước đang đẩy mạnh việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Thưa GS, thực hiện tốt vấn đề này sẽ tạo ra nguồn động lực then chốt đối với sự phát triển của đất nước ta trong những năm sắp tới?

- Đúng thế, bởi những tư tưởng của Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, luôn là sợi chỉ đỏ soi đường trong thực hiện các mục tiêu hiện nay. Việc vận dụng và phát triển sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Tôi nghĩ, cốt lõi của chuyên đề lần này là khơi dậy được quyết tâm, nghị lực của toàn dân tộc, từng cộng đồng, từng gia đình và từng người Việt Nam. Lấy sức ta để phát triển đất nước, gắn hạnh phúc cá nhân, gia đình với hạnh phúc của cộng đồng, của dân tộc, làm cho đất nước mạnh lên, giàu lên bằng chính sức mạnh của mình

Nhưng như tôi đã nói, có những lúc sự tự lực, tự cường cũng đầy trắc trở, do đó, vẫn có những điều cần lưu ý. Như môi trường văn hóa, đạo đức có lúc, có nơi đang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng. Tôi cho rằng, tập trung phát triển kinh tế là đúng, nhưng không phải là duy nhất, phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới làm trung tâm thì mới bền vững được, nếu chỉ có GDP không thôi là chưa đủ. Bởi có văn hóa mới phát triển được kinh tế, có văn hóa chính trị mới phát triển bền vững, có văn hóa hệ giá trị con người Việt Nam mới bền chặt. Liêm chính được đẩy mạnh, đạo đức mới giữ được...

Một điều quan trọng nữa để đất nước hùng cường là phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự. Lịch sử cho chúng ta một bài học vô giá là khi nào chúng ta cũng phải vươn lên bằng nội lực của mình. Chúng ta vẫn cố gắng tranh thủ mọi sự ủng hộ từ bên ngoài, nhưng chỉ có hiệu quả khi chúng ta có nội lực, mà cái nội lực đó có nhiều từ tình thần dân tộc, ý chí chiến thắng và sức mạnh cơ sở vật chất, nguồn lực con người, nguồn lực từ niềm tin. Chúng ta không thể bằng lòng với thành quả hiện tại, phải hành động để thực sự tự chủ, tự lực, tự cường.

Xin cảm ơn ông!

 

77 năm đã trôi qua. Thế giới đã đổi thay chóng mặt kể từ mùa Thu Cách mạng hào hùng tháng Tám năm 1945. Khát vọng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội vẫn còn đượm trong trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam yêu nước hiện nay. Bài học của Cách mạng tháng Tám vẫn còn đó. Trong đó, phải luôn luôn chăm lo đến điểm quy tụ để đoàn kết toàn dân tộc. Điểm quy tụ này chính là cái chung nhất của lợi ích. Không thể đoàn kết được lực lượng của toàn dân tộc khi không có lợi ích chung nhất, đó là lợi ích vì một đất nước hùng cường, dân chủ, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chia rẽ là con đường chết của mọi cuộc cách mạng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải ngày càng được bồi đắp thêm như lớp lớp phù sa phổ lên đất Mẹ Việt Nam. Do thế, mọi mưu toan và hành động, dù nhỏ, làm bào mòn, làm yếu đi khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì đều đáng phải bị lên án.

GS.TS Mạch Quang Thắng