Tại tòa, ông Thăng cho biết hoàn toàn tôn trọng bản cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, ông Thăng xin phép trình bày một số điểm.
Thứ nhất, về chủ trương góp vốn vào OceanBank, ông Thăng cho rằng, đây không phải chủ trương ban đầu của PVN đầu tư vào OceanBank mà là giải quyết hệ lụy của chủ trương thực hiện đề án thí điểm Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành và việc phê duyệt cho Tập đoàn thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, do năm 2008 tình hình kinh tế có nhiều biến động, Chính phủ chủ trương dừng việc thành lập các ngân hàng mới.
Khi đó, PVN với trách nhiệm đơn vị đầu tàu kinh tế đã chủ động báo cáo Chính phủ dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Để giải quyết hệ lụy (gồm bộ máy, con người, cơ sở vật chất) đã chuẩn bị hoàn chỉnh cho thành lập ngân hàng mới thì PVN đã xin phép góp cổ phần vào ngân hàng khác. Qua nhiều lần đàm phán với các đối tác là nhiều ngân hàng trong cả nước, các ngân hàng khác đều không thống nhất được điều kiện PVN đưa ra. Vì thế, chủ trương đầu tư vào OceanBank là giải quyết tiếp theo hệ lụy của việc dừng ngân hàng chứ không phải chủ trương ban đầu.
Thứ hai, về việc ký thỏa thuận làm việc, ông Thăng cho biết, để có cơ sở báo cáo HĐQT, ông Thăng với vai trò Chủ tịch HĐTV đã chỉ đạo Tổng Giám đốc và các cán bộ liên quan tìm cách đối tác. Sau nhiều lần tìm thì có OceanBank chấp nhận các điều kiện do PVN đưa ra nên đã ký thỏa thuận. Việc ký thỏa thuận là chủ trương mà HĐQT đã biết và thống nhất.
Về việc ký các Nghị quyết góp vốn, ông Thăng cho rằng, pháp luật không có quy định nào về việc ký Nghị quyết phải sau văn bản của Thủ tướng hoặc phải có văn bản của HĐQT. Nghị quyết của HĐQT thể hiện sự thống nhất và chỉ có giá trị khi được Thủ tướng đồng ý trước khi thực hiện nên việc đầu tư vào OceanBank có 2 điều kiện cần và đủ (đó là có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được sự thống nhất của HĐTQ).
Như vậy, việc đầu tư vào OceanBank đã đảm bảo cả 2 điều kiện trên do đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản và được HĐQT thống nhất 100%. “Việc đầu tư vào OceanBank là hoàn toàn đúng chủ trương, thủ tục, quy trình, quy định của pháp luật. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư. Đây là sự thật chứ không phải bị cáo né tránh, chối tội, thể hiện bằng các văn bản chứng từ trong hồ sơ...” - ông Thăng nói.
Thứ ba, về công văn của Bộ Tài chính, ông Thăng cho biết, bản thân cũng như các thành viên HĐQT của PVN nhận thức được văn bản của Bộ tài chính chỉ đề nghị Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Trong lần góp vốn thứ nhất, VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho PVN góp vốn và đề nghị NHNN, các bộ ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ để PVN thực hiện việc đầu tư OceanBank chứ không có nội dung nào yêu cầu PVN báo cáo việc này.
Còn tại văn bản thứ 2 của Bộ Tài chính có khuyến cáo chứ không yêu cầu PVN phải báo cáo Chính phủ về việc khẳng định PVN có đầy đủ điều kiện góp vốn vào OceanBank lần hai, cũng như báo cáo các vấn đề về danh mục đầu tư, chứng khoán, đề phòng rủi ro. Sau khi VPCP tập hợp ý kiến thì Thủ tướng cũng yêu cầu PVN báo cáo. Thực tế PVN cũng đã có báo cáo và không có ý kiến gì của Bộ Tài chính cũng như VPCP về việc này. Trong văn bản VPCP yêu cầu cân đối vốn, thực tế tháng 8/2010, PVN đã có Nghị quyết cân đối vốn cho giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, có đầu tư tài chính và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN luôn đáp ứng đầy đủ, không thiếu vốn cho các dự án dầu tư trọng điểm. Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu PVN đã triển khai thực hiện.
Về góp vốn lần 3 (100 tỷ đồng), thời điểm này ông Thăng cho biết đang đi vắng và ủy quyền điều hành. Sau khi vụ án được khởi tố, ông Thăng nhận thấy việc góp vốn này chưa phù hợp quy định hiện hành của Luật tín dụng 2010. Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như qua hồ sơ vụ án, ông Thăng thấy người ủy quyền cũng như các thành viên tham gia ký Nghị quyết này dù nghị quyết chưa phù hợp nhưng các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét phê duyệt bằng các văn bản của NHNN, Bộ KH-ĐT, Ủy ban Chứng khoán, không hề "thổi còi" gì... Trong các quyết định chấp thuận của các cơ quan Nhà nước đều ghi rõ cổ đông là Tập đoàn PVN góp vốn 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ. Chứng tỏ việc này đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Từ đó, ông Thăng cho rằng, việc góp vốn lần 3 các cá nhân có liên không vi phạm vì đã được phép.
Thứ tư, về việc ký quyết định cử người quản lý 20% vốn điều lệ, ông Thăng nhấn mạnh, quyết định này hoàn toàn không liên quan đến việc góp vốn lần 3. Theo ông Thăng, thực tế số tiền PVN đã góp vốn vào OceanBank là 20% từ năm 2010 bằng 700 tỷ đồng. Khi ký quyết định người đại diện vốn thì phải ký quản lý toàn bộ phần vốn đã có tại OceanBank. Việc thoái vốn của OceanBank cần được sự đồng ý của Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan cũng như cần có lộ trình. Từ tháng 3/2011, đã có chỉ đạo giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại OceanBank cho phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, ông Thăng cho biết, không có lý do gì biết lần 3 góp vốn vượt quy định mà vẫn đồng ý.
Thứ năm, về việc thoái vốn, ông Thăng cho hay, PVN đã rất chủ động. Theo đó, từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được cho phép PVN thoái vốn 100% khỏi OceanBank với lộ trình từ 2013 - 2015. Đầu 2014, có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn và PVN đã báo cáo Thủ tướng. Đầu tiên, Thủ tướng đồng ý nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại và chuyển phần vốn của Tập đoàn về cho NHNN. Từ đó, ông Thăng cho rằng, nếu PVN được thoái vốn thì sẽ không mất 800 tỷ đồng và bị mua với giá 0 đồng...
Cuối phần tự bào chữa, ông Thăng khẳng định, bản thân và các bị cáo trong vụ án luôn tuân thủ pháp luật và không bao giờ có hành động cố ý làm trái. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào OceanBank hoàn toàn công khai, minh bạch và không có động cơ vụ lợi cá nhân.