Đó là nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian vừa qua.
Sau quyết tâm là hành động
Vừa qua, hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn liên quan đến nhiều cựu quan chức đã được đưa ra xét xử, bản thân từng là một người rất quan tâm đến công tác PCTN, cảm nghĩ của ông khi theo dõi những vụ án này ra sao?
- Trước hết phải nói rằng, khi theo dõi thông tin của các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, cảm xúc đầu tiên của tôi là hết sức xót xa. Xót xa vì một số vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã vướng vòng lao lý, đứng trước vành móng ngựa; như hai nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, rồi một loạt lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh, hai Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hay những vụ việc liên quan đến các tướng công an, quân đội... Trong số đó, thậm chí một số người có quá khứ rất vẻ vang, đã từng chiến đấu trong nhiều mặt trận, từng giữ những chức vụ cao trong các ngành công an, quân đội, từng là Anh hùng lực lượng vụ trang Nhân dân, khắc tinh của tội phạm, nhưng giờ lại bao che, tiếp tay cho tội phạm…
Quả thật rất đau xót, không thích thú gì khi phải thấy những cán bộ cấp cao này bị đưa ra xét xử cả. Nhưng đúng như như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, chúng ta buộc phải làm.
Đây đều là những vụ án tham nhũng, gây thiệt hại nhiều cho Nhà nước. Nếu như trước kia mức thiệt hại, thất thoát mấy trăm tỷ đồng đã là lớn, giờ lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, như vụ AVG vừa rồi lên đến trên 6.500 tỷ đồng, hay vụ liên quan đến các cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đang xét xử, là hơn 22.000 tỷ đồng. Các vụ việc cũng có phạm vi rất rộng, từ T.Ư, đến địa phương.
Qua theo dõi thông tin các vụ án, tôi nhận thấy, chưa bao giờ chúng ta lại xử quyết liệt và nghiêm khắc như hiện nay, có nguyên cán bộ cao cấp đã bị đề xuất mức án tử hình và sau khi phục hồi được tiền thất thoát bị kết án chung thân. Sau nữa là nếu như trước chỉ xử được tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với cán bộ cao cấp, chưa xử được tội đưa và nhận hối lộ, nay đã làm được điều này.
Thu hồi được tài sản tham nhũng cũng rất lớn, như vụ AVG vừa rồi. Đó vừa là bài học vừa là kinh nghiệm rất quý báu, bởi đấu tranh PCTN không chỉ là “điểm mặt đặt tên”, đưa được càng nhiều người vào tù càng tốt, mà quan trọng nhất là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Từ các vụ án này nhìn lại công cuộc PCTN vừa qua, ông đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được?
- Phải nói rằng chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt. Hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh. Qua đó, đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện được tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước là xử lý tham nhũng không trừ một ai, không có ngoại lệ. Quyết tâm chính trị đó đã đem lại niềm tin cho công chúng, cho người dân. Nếu trước kia giữa quyết tâm và vận hành chậm, bây giờ đã khác, quyết tâm chính trị đã có là hành động ngay, với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cùng với đó báo chí cũng vào cuộc rất tích cực.
Chính những thông tin kịp thời của báo chí đã khiến các cơ quan vào cuộc một cách rốt ráo, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sự đồng bộ ấy đã tạo ra những kết quả PCTN như chúng ta đã thấy.
Phát huy tốt các kênh kiểm soát quyền lực
Hiện đang là thời điểm chuẩn bị kết thúc một nhiệm kỳ, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ tiếp theo, nhiều ý kiến lo ngại rằng, đây chính là thời điểm khiến tham nhũng nảy sinh nhiều. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội về thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nhiều quan chức đã tranh thủ làm những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh. Quả thực như thế, hiện cũng là thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, chuyển giao quyền lực, đây chính là thời điểm chín muồi để nhiều quan chức không còn ở những vị trí cũ, tới đây rời nhiệm sở thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh.
Đây cũng là thời điểm để nhiều người lợi dụng xin dự án béo bở, như thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG cũng diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ như vừa qua đã chỉ ra. Hoặc cũng có thể có người tranh thủ chạy chọt, “mua ghế”, mà thực tế đã có những trường hợp trước khi nghỉ đã ký bổ nhiệm, đề bạt cho vài chục người. Cho nên vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ cần phải đặc biệt chú ý.
Nhân đây chúng ta cũng phải nhìn lại, nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng nhiều trong thời gian vừa qua là do chúng ta chưa chặt chẽ trong kiểm soát quyền lực. Bởi nhìn vào những vụ án vừa qua thấy, người vi phạm đều là người có quyền lực. Phải vận dụng tất cả các kênh kiểm soát quyền lực hiện có như kênh của Đảng là Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cấp; kênh của Nhà nước có Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương; kênh của cơ quan dân cử có giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp; rồi kênh của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Và một kênh rất quan trọng là báo chí và Nhân dân, họ là tai mắt của PCTN. Thực tế, tài sản không phải “cây kim sợi chỉ”, khi cán bộ đầu năm có ô tô này, cuối năm lại có thêm ô tô khác; nay có nhà khủng này, mai có biệt thự kia, người dân đều biết hết. Có công chức đầu năm mua xe này cuối năm mua xe khác, Nhân dân đều biết vì hàng ngày đi về, làm sao có chuyện dân không biết được, có gì họ biết ngay, sinh sống quan hệ thế nào họ biết cả.
Chỉ có điều là cần cơ chế tạo điều kiện để những người là tai mắt của PCTN thông báo, thông tin lại cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, phải thực hiện tốt những cơ chế kiểm soát quyền lực khác như bằng cách quy định như trước khi nghỉ hưu bao lâu thì không được đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, không được ký dự án lớn thuộc nhiệm vụ các nhiệm kỳ sau…
Còn nhìn dưới góc độ thể chế, không phải chúng ta không có đủ thể chế. Ngoài các quy định của Đảng, vừa qua chúng ta đã sửa đổi nhiều Luật từ Luật PCTN, Bộ luật Hình sự… để khép lại lỗ hổng về pháp lý. Vấn đề ở đây chính là tổ chức thực hiện, bởi Luật cũng như văn bản dưới Luật không phải lúc nào cũng “dĩ thành bất biến”. Khi xuất hiện những sự thay đổi của đời sống xã hội, tình huống cụ thể chúng ta phải kịp thời sửa chữa những cơ chế để bịt lỗ hổng để muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được.
Vậy với quyết tâm và hành động đã có, với đà này, ông có tin tưởng công tác PCTN sẽ đạt kết quả cao hơn nữa?
- Tôi rất tin tưởng với đà này, kết quả PCTN sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa. Như chúng ta đã đánh giá, PCTN đang đạt hiệu quả, bước đầu chặn đứng và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, vốn vẫn được coi là quốc nạn. Đã là quốc nạn, trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được. Biệt dược ở đây chính là giải pháp quyết liệt, sự phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và hình phạt cũng rất nghiêm khắc.
Qua đó, tác dụng răn đe lớn. Nhưng cũng phải thấy rằng đây vẫn đang là cuộc chiến gian khổ, dài lâu, trong đó như tôi đã nói, vấn đề kiểm soát rất quan trọng. Vì người có quyền thì dễ lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền. Nên phải kiểm soát quyền lực thường xuyên, tạo ra những tiếng chuông cảnh báo khi tay họ chưa nhúng chàm; còn khi nhũng chàm rồi thì phải xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc như vừa qua là đúng và tạo hiệu quả tốt.
Xin cảm ơn ông!
"Đấu tranh PCTN không phải đưa càng nhiều người vào tù càng tốt. Hơn hết, đó là nỗi đau xót về công tác cán bộ. Mục tiêu là phải thu về tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho Nhà nước và Nhân dân, vì suy cho cùng đó chính là tiền thuế của dân." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến |