Đà giảm của chứng khoán Việt Nam đang đi ngược xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán lớn khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đóng cửa phiên giao dịch 29/9, VN-Index giảm 17,55 điểm (1,53%) về 1.126,07 điểm, HNX-Index giảm 2,94 điểm (1,17%) xuống 249,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (0,73%) còn 85,22 điểm.
Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp với khối lượng giao dịch đạt 582 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 13.000 tỷ đồng.
Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 604 mã giảm giá (trong đó có tới 43 mã giảm sàn), 316 mã tăng giá và 180 mã đóng cửa tại giá tham chiếu.
Cổ phiếu trụ nói riêng và rổ VN30 nói chung vẫn là nhân tố ảnh hưởng rất tiêu cực đến chỉ số, còn VN-Index đang hướng tới vùng 1.100 - 1.120 trong 1 - 2 phiên tới. Trong đó GVR giảm 5,9%, VIC (5%), BVH (4,5%), STB (3%), CTG (3%). Những mã còn lại giảm giá trên 2% như MSN, POW, SSI, VPB, VPB. Sắc xanh của VNM, VRE, GAS, PDR không đủ gồng đỡ thị trường.
Nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất vẫn là xây dựng - đầu tư công, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp... Nhóm chứng khoán dù đã có dấu hiệu manh nha tạo đáy vẫn không trụ được với áp lực bán chung của thị trường.
Qua quan sát, thị trường thường bị bán mạnh vào phiên chiều vào những ngày giao dịch. Kể từ ngày 29/8, VSD chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch từ T+3 xuống T+2. Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán trong buổi chiều của phiên giao dịch T+2.
Theo đánh giá ban đầu của giới phân tích, việc rút ngắn thời gian đồng nghĩa nhà đầu tư có thể mua bán sớm hơn, vòng quay tài khoản nhiều hơn. Điều này kỳ vọng tăng thanh khoản của thị trường.
Song, không như dự báo, thanh khoản lại sụt giảm kể từ khi rút ngắn thời gian thanh toán. “T+2” từ chỗ được kỳ vọng trở thành yếu tố khiến nhà đầu tư cho là “tội đồ” của thị trường khi lực bán mạnh thường xuất hiện trong phiên giao dịch buổi chiều.
Có thể thấy, thị trường tiếp tục xuất hiện một nhịp giảm mạnh vào cuối giờ giao dịch, dưới sức ép từ các cổ phiếu trụ với nhiều cổ phiếu có lệnh bán lớn. Diễn biến này thường xuyên lặp lại trong những phiên gần đây gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.
Về kỹ thuật, VN-Index đã giảm gần 170 điểm, tương đương sụt hơn 13%, về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Một số cổ phiếu lớn thậm chí còn giảm gần 30 - 40%, mức giảm mạnh hơn cả hồi Covid-19 và đang tạo áp lực chính cho thị trường.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, thị trường vẫn có cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ. Nhìn chung bỏ qua áp lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì thị trường đang duy trì trạng thái phân hóa. Nhà đầu tư có thể trading với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải trong danh mục.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu quán tính giảm điểm tiếp tục xảy ra, VN Index có thể lùi về khu vực 1.180 - 1.190 tương ứng với ngưỡng 0.5 của thang đo Fibonacci mở rộng tính từ đỉnh tháng 4. Các nhà đầu tư được khuyến nghị chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường tìm lại điểm cân bằng.