Cô lưu ý, học sinh đã lấy tiền ăn sáng bố mẹ cho để mua diêm làm pháo nổ. Việc nhắc nhở này là kịp thời và không thừa, bởi trẻ em rất tò mò, thích chế tạo pháo nổ được bày dạy đầy rẫy trên mạng. Chúng làm pháo để thể hiện “trí thông minh”, “bản lĩnh” chơi các trò mạo hiểm…
Thời gian gần đây, chuyện học sinh tự chế pháo được đăng tải nhiều trên báo chí. Trong đó, có những vụ tai nạn do pháo nổ đã xảy ra.
Gần đây nhất, tại tỉnh Gia Lai, hai học sinh lớp 6 và lớp 7 đã tự chế pháo nổ tại nhà. Khi tự chế pháo, các em bất cẩn đã khiến pháo nổ, hóa chất cháy, khiến các em bị thương nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong đó, một em bị dập nát hai tay, chấn thương hai mắt…
Trước đó, tại Đắk Lắk, một vụ nổ do pháo tự chế cũng đã xảy ra khiến hai em nhỏ bị thương nặng.
Xa hơn nữa, cách nay đã nhiều năm, hồi đốt pháo nổ chưa bị cấm, nhà nhà tự chế pháo để bán, một thầy giáo dạy thể dục đã tử vong do thuốc pháo nổ. Đau lòng là, hiện tượng này vài năm gần đây lại xuất hiện.
Điều quan trọng, để không còn cảnh trẻ em - học sinh tự chế pháo nổ, cần ngăn chặn nguồn cung chế tạo pháo.
Gần đây, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển pháo, nguyên liệu làm pháo nổ; có vụ số lượng tang vật lên đến hàng tấn.
Như đã nói, ngăn chặn việc buôn lậu pháo nổ, các nguyên liệu chế tạo pháo nổ là của công an; việc nhắc nhở các học sinh là của thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng triệt để hơn nữa, các cấp chính quyền phối hợp với nhà trường và gia đình nên có những đợt tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp người dân, trong đó có đối tượng trẻ em.
Với những kẻ buôn bán vật liệu nổ nói chung, pháo nổ nói riêng, cần có chế tài nặng hơn. Bởi pháo nổ không chỉ gây nguy hại cho môi trường mà ảnh trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người.
Hơn 26 năm trước, ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đây là chỉ thị mang tính lịch sử, vì thói quen đốt pháo của nước ta đã có hàng trăm năm. Trước đây, Tú Xương từng có đôi câu đối: “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo/ Nhân tình bạc thế lại bôi vôi”.
Việc cấm đốt pháo giúp không khí ngày Tết trong làng, vật nuôi không hoảng loạn vì tiếng nổ, không còn cảnh tượng đau lòng vì bị thương và tử vong vì pháo. Cũng không còn tệ nạn ganh đua cố đốt pháo nhiều hơn, tiếng nổ to hơn…
Nhưng vài năm gần đây, như đã nói, pháo nổ lại xuất hiện, nhất là trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, và đáng lo hơn là trẻ em - học tham gia chơi pháo, chế tạo pháo.
Do đó, đã đến lúc cần mạnh tay hơn để một lần nữa chấm dứt tình trạng buôn bán, chế tạo và chơi pháo nổ, để giữ bình yên cho mọi người.