Trong khi các đơn vị vệ sinh môi trường chưa thể dọn xuể rác ở một số địa bàn, thì sự vào cuộc của các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện vì môi trường là vô cùng quý giá.
Đa dạng các nhóm tình nguyện
Thời gian gần đây, khi đi qua hồ Linh Đàm vào ngày Chủ nhật, nhiều người không còn lạ lẫm với hình ảnh hàng chục thành viên nhóm “Linh Đàm xanh” mải miết dọn rác, cắt cỏ dại xung quanh hồ. Thành viên của nhóm đều là cư dân của các tòa nhà chung cư HH trong bán đảo Linh Đàm. Với mục tiêu xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, nhóm "Linh Đàm xanh" đã tổ chức những buổi ra quân dọn vệ sinh. Chị Hà Thị Thúy Quỳnh, quản trị viên của nhóm cho biết, ngày đầu thành lập chỉ có gần 10 thành viên. Đến nay trang facebook chính thức của nhóm đã có gần 1.600 thành viên đăng ký tham gia với rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong suốt hơn một năm qua.
Giữa năm 2016, hành động đẹp của “anh Tây dọn rác” James Joseph Kendall ngay lập tức thu hút được rất nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Cũng từ đó nhóm tình nguyện vì môi trường Thủ đô “Keep Hanoi Clean” được ra đời. Phạm Ngọc Bích - thành viên sáng lập nhóm cho hay, đến nay, số thành viên tham gia vào các hoạt động trực tiếp đã lên tới hơn 1.000 người, chủ yếu là các bạn trẻ. Đặc biệt, có rất nhiều tình nguyện viên đến từ các quốc gia khác nhau. Hoạt động chủ yếu của nhóm là thu gom rác ở những nơi ô nhiễm và tuyên truyền ý thức về bảo vệ môi trường.
Hay Dự án “Chủ Nhật xanh” do một người trẻ đầy nhiệt huyết là Chủ tịch Câu lạc bộ Từ thiện Quốc gia Phạm Văn Tới thành lập từ đầu năm 2017, đến nay cũng trở thành một trong những nhóm tình nguyện môi trường thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Đều đặn, hai tuần mỗi lần vào các sáng Chủ nhật, hàng trăm sinh viên lại cùng nhau xuống đường dọn rác, góp phần tạo môi trường Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Đến nay, các thành viên của dự án đã dọn được 21 điểm tập kết rác tự phát lớn trên địa bàn TP.
Cần sự kết nối
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, hoạt động tình nguyện về môi trường trên địa bàn Hà Nội khá sôi nổi, song dường như vẫn bị xé lẻ, trùng lặp, làm giảm hiệu quả. Anh Phạm Văn Tới chia sẻ, nhiều hoạt động diễn ra thường kỳ có mục đích, hành động thực hiện giống nhau nhưng lại thiếu sự kết nối của các câu lạc bộ để tạo nên một cộng đồng chung sức lớn mạnh hơn.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động, hầu hết đại diện các nhóm đều cho biết vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ chính quyền và thiếu kinh phí hoạt động. Bạn Phạm Ngọc Bích cho hay, tại Hà Nội nhóm đã tham gia dọn vệ sinh ở trên địa bàn nhiều quận. Sau khi dọn xong đã trao đổi lại với chính quyền cơ sở để tìm cách hạn chế tái ô nhiễm nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi còn gây khó khăn và không muốn hợp tác.
Do vậy, mong muốn chung của các bạn trẻ là nhận được sự ủng hộ từ các cấp chính quyền, tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ cùng kêu gọi người dân tham gia nhiều hơn. Đặc biệt, là sự hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhóm tình nguyện có thêm nguồn kinh phí duy trì và phát triển các hoạt động ngày một mạnh hơn. Anh Phạm Văn Tới nêu đề xuất, TP Hà Nội có thể xem xét chấp thuận cho Dự án “Chủ Nhật xanh” được tham gia dọn vệ sinh một phần trên tuyến Đại lộ Thăng Long, qua đó dự án có thể thêm kinh phí để mua sắm vật dụng, bảo hộ lao động cho nhiều thành viên hơn.
Đánh giá về những hoạt động thiện nguyện vì môi trường trên địa bàn Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc làm thiết thực của các nhóm tình nguyện đã và đang tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.
Về lâu dài, để các hoạt động này phát triển mạnh mẽ cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước mắt, các cấp chính quyền của TP không nên đứng ngoài cuộc mà cần có sự phối kết hợp, thống nhất trên cơ sở xây dựng một kế hoạch, chương trình làm sạch vệ sinh môi trường một cách chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng |