Nhật Bản hoan nghênh Mỹ xem xét tái gia nhập TPP

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, Tokyo hoan nghênh quyết định của Mỹ về việc quay lại thỏa thuận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ thị giới chức xem xét khả năng tái gia nhập hiệp định này.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso.
Trước đó ngày 12/4, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức chính phủ “đàm phán để tái gia nhập” TPP.
Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ thị Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tìm hiểu các giải pháp để nước này tái gia nhập hiệp định.
Phó phát ngôn Lindsay Walters cho biết, chỉ thị mới của ông Trump nhất quán với các tuyên bố của ông trước đó. Bà Walters nói: "Năm ngoái, Tổng thống đã giữ lời hứa rút khỏi TPP... bởi vì thỏa thuận này không công bằng với các công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng luôn để ngỏ với một thỏa thuận tốt hơn.
Sau tuyên bố của Nhà Trắng, phát biểu với  phóng viên sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định: "Nếu điều này là chính xác, tôi rất hoan nghênh". Ông Aso cũng bày tỏ hy vọng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump sẽ thảo luận về thỏa thuận TPP tại cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Aso cho biết thêm, cần phải xác minh nguồn tin một cách cẩn thận. "Ông Trump là một người hay thay đổi, có thể ông lại nói một điều hoàn toàn khác trong ngày hôm sau", ông Aso nói thêm.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.
Suốt những tháng sau đó, 11 nền kinh tế còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam) đã tích cực nỗ lực đàm phán và sửa đổi để đưa ra CPTPP (hay còn gọi là TPP-11).