Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng cơ sở điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng cho biết, cơ sở được triển khai từ tháng 10/2011, đến nay đã có những thành công nhất định. Những ngày đầu, cán bộ y tế cơ sở phải nhờ đến cơ quan chức năng địa phương đến từng nhà vận động người nghiện tham gia chương trình điều trị Methadone miễn phí vì họ chưa thực sự hiểu về những quyền lợi rõ rệt về mặt kinh tế, sức khỏe, an ninh… cho gia đình và toàn xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng cơ sở điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Thảo Trần |
Ban đầu, TP giao chỉ tiêu 250 bệnh nhân (BN) nhưng đến nay, bước sang năm thứ 9, chương trình điều trị Methadone đã có những kết quả ngoài mong đợi khi con số tham gia lên tới hơn 700 lượt BN điều trị. Việc điều trị bằng thuốc Methadone đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Cụ thể, sau 3 - 6 tháng điều trị, BN tăng 1kg, sau một năm tăng 3kg và từ năm thứ 3 trở đi, BN tăng ổn định từ 5 - 6kg và giữ thể trạng đều đều vì những độc tố của heroin được đào thải… Sau 3 tháng điều trị, tỷ lệ dùng heroin giảm khoảng 70%; sau 2 năm chỉ còn 3% (100 người thì chỉ có 3 người dùng heroin. Trong 3 người này, hầu hết có thể bị bệnh kèm theo hoặc đôi khi bị ảnh hưởng, stress về tinh thần…).
“Điều đáng nói, có tới 41% BN sau 3 - 6 tháng điều trị bắt đầu có việc làm. Sau một năm con số này lên tới 65% và sau 3 - 6 năm có đến 87% BN có việc làm và thu nhập ổn định; 20% BN đã lấy vợ sinh con” - bác sĩ Mai chia sẻ.
Thế giới đã coi tình trạng nghiện lâu ngày là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài và liên tục do tổn thương ở não bộ. Trước kia chưa có chương trình điều trị Methadone, người nghiện muốn cai nghiện phải vào các trung tâm giáo dưỡng.
“Từ ngày người bệnh được tham gia điều trị Methadone, tôi thấy chương trình này có tính nhân văn cao, không những giữ họ ở lại trong cộng đồng mà giúp phục hồi sức khỏe, nhân cách, biết quan tâm tới người thân xung quanh mình” - bác sĩ Mai cho hay.