Tại hội thảo, ông Đàm Xuân Quang - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT chia sẻ, làm thế nào để xây dựng một mô hình PBGDPL cho học sinh THPT đảm bảo "5 nhất"? Đó là học sinh hứng thú nhất, số lượng tham gia nhiều nhất, điều kiện tổ chức đơn giản nhất, chi phí ít nhất, hiệu quả và sức lan tỏa lớn nhất. Qua nhiều trải nghiệm, Sở GD&ĐT đã xây dựng mô hình PBGDPL cho học sinh THPT, từ việc tổ chức ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức pháp luật. Cuộc thi nhằm tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường thông qua hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp bằng cuộc thi trắc nghiệm theo hướng mở; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn cung cấp kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội ở độ tuổi vị thành niên. Cuộc thi đã mang lại hiệu quả bất ngờ, 100% các trường THPT công lập và ngoài công lập cùng tổ chức và tham gia, với khoảng trên 200.000 học sinh. Cuộc thi đã làm sáng tỏ được "5 nhất". Học sinh các trường được giao lưu trong môi trường ngoại khóa, cùng tìm hiểu kiến thức pháp luật trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ.Mô hình được đánh giá hiệu quả là việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL tại quận Bắc Từ Liêm. Bà Nguyễn Thị Tâm Luyến - Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận thường tổ chức các hội nghị, tọa đàm, tập huấn, phổ biến pháp luật trực tuyến. 100% trường học trên địa bàn quận tổ chức hội nghị, tọa đàm tìm hiểu pháp luật cho học sinh hàng tuần với mô hình “4 ngày 5 tốt”, thu hút được đông đảo học sinh tham gia.Bên cạnh đó, quận vận động cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn tham gia thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên mạng do TP tổ chức. Hiện nay, trên địa bàn quận có 16 tổ dân phố điện tử tại các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Đông Ngạc và Liên Mạc. Dự kiến hết năm 2018 thêm 5 tổ dân phố điện tử.Tại quận Ba Đình, các phường đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đông đảo với 578 tuyên truyền viên. Một trong những loại hình PBGDPL trên địa bàn là lồng ghép tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) của Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, CLB Phòng chống ma túy, HIV-AIDS, CLB tiền hôn nhân... thành lập tổ tư vấn pháp luật miễn phí tại Liên đoàn Lao động quận để trợ giúp pháp lý cho người lao động.Quận Hoàng Mai lại có kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Bà Trần Ngọc Lê – Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàng Mai cho biết, trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến, quận nhận thấy hình thức tuyên truyền, PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đem lại hiệu quả cao và thu hút được nhiều thành phần tham gia. Do đó, quận đã tích cực tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do TP tổ chức, như cuộc thi sân khấu hóa hòa giải viên giỏi, hộ tịch viên giỏi; cuộc thi ATGT; Tìm hiểu pháp luật về PCCC, Tìm hiểu Bộ luật Hình sự 2015... Trong khi đó, bà Đặng Thị Ngà (cán bộ tư pháp phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) cho hay, trên địa bàn phường có nhiều lao động, thanh thiếu niên tự do, UBND phường coi công tác PBGDPL là việc làm cần thiết phải triển khai để nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các đối tượng này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đó, các thanh thiếu niên và dân di cư sinh sống, lao động tự do trên địa bàn phường được phổ biến quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú, tạm vắng, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, một số đơn vị đã có sáng kiến, cách làm hay trong PBGDPL, như việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL, thành lập tổ dân phố điện tử.Tuy nhiên, bà Hương lưu ý, để nâng cao chất lượng, ngoài đổi mới hình thức, nội dung đáp ứng yêu cầu, các đơn vị cần phải chú trọng, đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL. Đối với cuộc thi Bộ luật Hình sự 2015 đang tổ chức, các quận, huyện phải lựa chọn bài có chất lượng tham gia, đảm bảo đúng tiến độ.