Nhiều nước gấp rút bảo vệ startup vì vụ sụp đổ SVB

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi Chính phủ Mỹ từ chối cấp gói cứu trợ ngân hàng Silicon Valley (SVB), nhiều nước bật cảnh báo về tác động sâu sắc từ thất bại lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, bang California, Mỹ, đã đóng cửa hôm 10/3. Ảnh: Getty Images
Trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, bang California, Mỹ, đã đóng cửa hôm 10/3. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 12/3 cho biết Chính phủ Washington muốn tránh "sự lây lan" tài chính từ vụ sụp đổ của SVB hôm 10/3, nhưng từ chối cứu trợ tổ chức này.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những rắc rối tồn tại ở một ngân hàng không tạo ra sự lây lan sang những ngân hàng khác đang ổn định" - bà Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS.

Hiện Chính phủ đang làm việc với cơ quan bảo đảm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC)  để có giải pháp cho tình hình tại SVB, nơi có khoảng 96% tiền gửi không được bảo đảm hoàn trả của FDIC. Vì những cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Washington không xem xét gói cứu trợ cho SVB.

Cùng ngày, Bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết ông đang làm việc với Thủ tướng Rishi Sunak và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey để "tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại" từ hỗn loạn đang bao trùm chi nhánh Vương quốc Anh của SVB.

Ông Hunt nói với Sky News: "Chúng tôi sẽ sớm đưa ra kế hoạch có thể đáp ứng các yêu cầu về dòng tiền để doanh nghiệp có thể trả lương cho nhân viên".

Hơn 250 giám đốc điều hành của các công ty công nghệ Vương quốc Anh trước đó đã ký vào một lá thư gửi tới Bộ trưởng Hunt nhằm kêu gọi sự can thiệp của Chính phủ Anh, và cảnh báo về "mối đe dọa hiện hữu" đối với lĩnh vực công nghệ của Anh.

Ông Hunt nhắc lại nhận xét của BoE rằng về tổng thể, SVB có sự hiện diện hạn chế ở Anh và không có các chức năng quan trọng đối với hệ thống tài chính.

Tại Israel, cổ phiếu đã giảm hơn 2,5% trên Sàn giao dịch chứng khoán Tel Aviv (TASE) hôm 12/3 do các công ty tài chính chao đảo sau vụ SVB, trong khi Chính phủ nước này tuyên bố sẽ giúp đỡ các công ty công nghệ của họ bị ảnh hưởng.

Avidan, Giám sát viên Ngân hàng của Ngân hàng Israel cho biết: "Chúng tôi đang kiểm tra và theo dõi chặt chẽ vụ việc, cả trước mắt và những tác động tiếp theo".

Lĩnh vực công nghệ của Israel là động lực tăng trưởng chính của đất nước và nó có mối quan hệ rất bền chặt với khu vực Thung lũng Silicon. Nhiều công ty khởi nghiệp của Israel đã có tài khoản tại SVB mặc dù số tiền không được công bố đầy đủ.

Trước lo ngại gia tăng về sự sụp đổ đối với lĩnh vực khởi nghiệp của Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar hôm 12/3 cho biết ông sẽ gặp các công ty khởi nghiệp trong tuần này để đánh giá tác động của vụ việc SVB.

“Các công ty khởi nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế mới của Ấn Độ. Tôi sẽ gặp các start-up Ấn Độ trong tuần này để hiểu tác động đối với họ và cách Chính phủ có thể giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng" - ông Rajeev Chandrasekhar cho biết trên trang Twitter cá nhân.

Ấn Độ là một trong những thị trường khởi nghiệp lớn nhất thế giới, với nhiều công ty được định giá hàng tỷ đô la trong những năm gần đây và nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã đặt cược lớn vào các doanh nghiệp kỹ thuật số và công nghệ khác.

Chỉ số CSI300 của Trung Quốc cũng đã giảm 4% vào tuần trước, và thị trường có thể giảm sâu hơn nữa sau sự sụp đổ của SVB.