Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường công bố điểm xét tuyển đại học: Điểm chuẩn giảm mạnh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối ngày 5/8, nhiều trường đại học (ĐH) bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển. Ghi nhận bước đầu cho thấy, điểm chuẩn của nhiều trường đại học năm nay giảm mạnh so với mức điểm chuẩn xét tuyển năm 2017 cao nhất từ 4-5 điểm.

Điểm chuẩn của nhiều trường đại học năm nay giảm mạnh so với mức điểm chuẩn xét tuyển năm 2017 cao nhất từ 4-5 điểm. 
Khối xã hội điểm chuẩn cao nhất 27,25 điểm
Năm nay, do điểm thi THPT Quốc gia 2018 nên điểm trúng tuyển của các trường ĐH đều giảm tới 4 – 5 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn trúng tuyển các chương trình đào tạo chính quy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội tương đối cao so với các trường ĐH trên cả nước, dao động từ 20 - 25,35 điểm. Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất là 25,35 điểm. PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với mức điểm này, nhà trường dự kiến tuyển khoảng 100,05% chỉ tiêu so với số lượng đã đăng ký ban đầu với Bộ GD&ĐT.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trước 17 giờ ngày 6/8, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (ĐH, CĐSP, TCSP) sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ 00 ngày 12/8, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1. Trước 17 giờ 00 ngày 16/8, các trường ĐH, CĐSP, TCSP cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Từ ngày 22/8, các trường ĐH, CĐSP, TCSP xét tuyển bổ sung. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển.
Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng giảm đồng đều ở tất cả các ngành so với năm 2017 từ 3 – 5 điểm. Một số ngành có điểm chuẩn cao như Đông Phương học 27,25 điểm, Quản trị Lữ hành khách sạn vẫn 26 điểm, thấp nhất là ngành Tôn giáo 20 điểm.
“Năm nay, để tạo sự công bằng cho thí sinh, nhà trường bóc tách rất chi tiết các tổ hợp xét tuyển khác nhau. Ví dụ, khối D có 6 ngoại ngữ khác nhau, nhà trường có 12 tổ hợp, điểm chuẩn từ 18 – 23 điểm. Nhà trường không gộp điểm khối C và khối D như năm ngoái, bởi như thế, các em thí sinh khối D dễ mất cơ hội. Cụ thể, khối C điểm chuẩn cao nhất là 27,25, trong khi khối D khoảng từ 18 – 20 điểm” – PGS.TS Hoàng Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay.
So với năm ngoái, năm nay, điểm chuẩn của trường Kinh tế quốc dân giảm khoảng 3 điểm, đúng như dự đoán ban đầu. Ngành Kinh tế quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 24,35 điểm; thấp nhất là ngành Quản lý đất đai 20,50 điểm. Một số ngành truyền thống cũng có điểm trúng tuyển cao như Tài chính – Ngân hàng 22,85 điểm, Kế toán 23,60 điểm.

Không làm tròn điểm, thuận lợi cho nhà trường và thí sinh

Với quy định không làm tròn điểm khi xét tuyển đã tạo thuận lợi cho các trường trong xét tuyển sinh. Tại phiên họp cuối cùng của nhóm xét tuyển các trường ĐH miền Bắc ngày 5/8, nhiều ý kiến cho biết, phương thức tuyển sinh năm nay nhẹ nhàng, hiệu quả, chất lượng và chốt điểm sớm. Thậm chí, nhiều trường không phải dùng đến tiêu chí phụ khi xét tuyển những chỉ tiêu cuối cùng như năm 2017.
“Trường không sử dụng tiêu chí phụ để đảm bảo cho thí sinh đúng điểm chuẩn trở lên là chắc chắn đỗ, không lo trượt vì tiêu chí phụ” – PGS.TS Bùi Quốc Triệu – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay. PGS Hoàng Tuấn Anh nhận định: “Công tác xét tuyển so với năm ngoái không có nhiều biến động, sự tham gia của các đơn vị đồng đều, gắn kết hơn. Gần như chỉ tiêu không dao động nhiều, phần mềm hoạt động ổn định”.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đảm bảo chất lượng đầu vào khi Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã để xảy ra tiêu cực, sửa nâng điểm bài thi cho nhiều thí sinh, liệu các trường có tổ chức kiểm tra đầu vào đối với những em có điểm cao bất thường, TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y Hà Nội cho hay: Việc này không đáng lo ngại lắm, vì học y khoa từ lúc bắt đầu tổ chức đào tạo đến lúc kết thúc là một quá trình liên tục. Nếu nếu các em không có kết quả học tập thực mà vào học trường y sẽ không thể theo học được các ngành đó. Vào trường y mà không theo được rồi cũng bị đào thải rất nhanh.
“Quan trọng là trong quá trình đào tạo là đảm bảo hiệu quả của công tác lượng giá, thí sinh không đủ khả năng năng lực thì không thể vượt qua đào tạo của nhà trường” – thầy Tùng nhấn mạnh. Trưởng phòng Đào tạo Bùi Quốc Triệu cũng cho biết, từ thời xưa đã xảy ra tiêu cực. Những người vi phạm tiêu cực, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm; hành vi gian lận không ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của trường.
Nhà trường không tổ chức kiểm tra đầu vào vì tin tưởng vào kết quả kỳ thi. “Các em phải đánh giá đúng thực lực của mình, còn phía nhà trường đánh giá cả quá trình. Vì thế, để vượt qua chương trình học tập, các em phải nỗ lực rất nhiều, không phải cứ vào trường rồi là tốt nghiệp” – thầy Triệu nhấn mạnh.