Hơn 15.000 chỉ tiêu tuyển sinh Chương trình 9+
Chương trình 9+ là mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Sau 3 năm theo học Chương trình 9+, học sinh đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp và tham gia kỳ thi THPT quốc gia để được xét tốt nghiệp THPT. Sau đó, học sinh có thể đi làm theo chuyên ngành được đào tạo hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học theo quy định.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025 có 46 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm các trường TC, CĐ có dạy văn hóa cấp THPT được giao tuyển sinh 348 lớp 10 với 15.220 học viên. Những trường được giao tuyển sinh với số lượng nhiều là: Trường CĐ nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội 675 chỉ tiêu, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ 675 chỉ tiêu, Trường CĐ Xây dựng Công trình Đô thị 540 chỉ tiêu, Trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội 540 chỉ tiêu, Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long 450 chỉ tiêu, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội 490 chỉ tiêu, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội 400 chỉ tiêu,...
Trao đổi về công tác tuyển sinh năm học 2024 - 2025, Hiệu trưởng Trường TC nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: Năm học 2024 - 2025, nhà trường được giao tuyển sinh 720 chỉ tiêu, trong đó có 135 chỉ tiêu Chương trình 9+. Nhà trường nhận hồ sơ tuyển sinh Chương trình 9+ từ ngày 20/4 đến 22/7/2024; kết quả bước đầu đạt 35% so với chỉ tiêu được giao. Các em học sinh lớp 9, đăng ký xét tuyển nhiều vào những ngành: Công nghệ ô tô, Công nghệ sơn ô tô, Đồ họa đa phương tiện, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Điện tử công nghiệp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật... Đây cũng là những ngành nghề mà thị trường lao động và DN đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân sự.
Năm học 2024 - 2025, Trường TC nghề Tổng hợp Hà Nội được giao tuyển sinh Chương trình 9+ với 690 chỉ tiêu. “Học sinh đăng ký xét tuyển tăng do các em và phụ huynh thấy rõ lợi ích của việc học nghề vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí mà vẫn đảm bảo bằng cấp. Một số nghề có nhiều học sinh đăng ký xét tuyển là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn. Tùy theo từng nghề và khả năng của học sinh mà mức lương dao động từ 8 - 12 triệu đồng/tháng” - Hiệu trưởng Trường TC nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho hay.
Mở ngành mới thị trường lao động đang có nhu cầu
Để thu hút học sinh đăng ký theo học Chương trình 9+, Trường TC nghề Giao thông Công chính Hà Nội mở thêm một số mã ngành mới, gồm Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tạo mẫu và Chăm sóc sắc đẹp, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp...
Ngoài ra, nhà trường có chính sách khuyến khích học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề khi các em đăng ký xét tuyển Chương trình 9+. Đó là, các em được tặng 5 tháng học phí văn hóa, tương ứng với 1.200.000 đồng; 1 ba lô trị giá 500.000 đồng. Các em học sinh còn được hưởng các chế độ khác như học bổng khi đạt loại giỏi trở lên, hỗ trợ cấp thẻ xe buýt,...
Một số trường TC, CĐ trên địa bàn Hà Nội cũng đang xây dựng nhưng chính sách hỗ trợ học sinh theo học Chương trình 9+ như: tặng học bổng, tặng quà, tặng sách,...
Năm nay, Trường TC nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội giao tuyển sinh 180 chỉ tiêu Chương trình 9+. Nhà trường tuyển sinh trọng tâm 7 ngành nghề chính, trong đó có nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Kỹ thuật làm bánh đang được trường phát triển, tuyển sinh với số lượng lớn bởi học sinh tốt nghiệp có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất 80 - 90.
“Nhà trường được mở mã nghề mới tuyển sinh Chương trình 9+ năm nay là Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp. Đây là nghề phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian gần đây; được nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi để tìm kiếm công việc và mức lương lý tưởng trong tương lai” - Hiệu trưởng Trường TC nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng cho hay.
Đối với Trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội, hiện nay các em học sinh tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đã học chiếm 80%, thậm chí có nghề đạt 100%. Năm nay, mặc dù công tác tuyển sinh có nhiều khó khăn nhưng Hiệu trưởng Trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh cho biết nhà trường sẽ nỗ lực để đảm bảo số lượng chỉ tiêu và hướng tới tuyển sinh bền vững. Theo đó, nhà trường nhấn mạnh tuyển sinh thông qua chính học sinh, phụ huynh đang có con theo học tại trường và thuyết phục họ bằng những giá trị tích cực.
Có 3 trụ cột mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải lưu tâm khi đào tạo nghề kết hợp với dạy văn hóa. Đầu tiên là giáo dục học sinh thay đổi ý thức, nhận thức học nghề để từ đó có thái độ học tập tốt. Thứ hai, các trường tập trung vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng đào tạo nghề để thật sự hấp dẫn. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các trường thay đổi chương trình, nội dung dạy học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phương pháp đào tạo và đổi mới trang thiết bị. Thứ ba là phải đảm bảo chất lượng dạy văn hóa để học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng là cách giúp học sinh thích học nghề vì thế các nhà trường đều tăng tỷ lệ thực hành, thiết kế cho người học được đến DN trải nghiệm. Đây cũng là cách giúp các trường tiết kiệm được kinh phí đầu tư mua trang thiết bị, học sinh trang bị kỹ năng đáp ứng nhu cầu của DN và hòa nhập được ngay thị trường lao động với mức thu nhập khá.