Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học nghề để lập thân - xu hướng mới của giới trẻ

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều học sinh quyết định không theo học các trường đại học mà sớm rẽ ngang học nghề mình yêu thích.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã và đang mở ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng là cách thu hút học sinh đăng ký xét tuyển, khi tốt nghiệp có việc làm luôn với thu nhập khá cao.

Nhà trường mở ngành mới, cam kết có việc làm

Những năm qua, xu thế của xã hội, suy nghĩ của phụ huynh, giáo viên các trường phổ thông và chính các em học sinh về học nghề đã thực tế hơn: học nghề với chi phí thấp, thời gian học ngắn, ra trường sớm có việc làm ổn định. Mô hình đào tạo 9+ (chương trình vừa học văn hóa cấp THPT, vừa học nghề trình độ trung cấp; được cấp song bằng) có nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn vì khi tốt nghiệp được học liên thông lên cao đẳng, hoặc xét tuyển đại học.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm kim chỉ nam cho công tác đào tạo, giúp sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay cũng như thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề. Đặc biệt, nhà trường mở những ngành nghề mới về công nghệ cao như Robot di động, Cơ điện tử, Lắp cáp mạng thông tin, IoT… đang rất hot trên thị trường việc làm.

Học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Đan Phượng tham gia Chương trình Tư vấn hướng nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Đan Phượng tham gia Chương trình Tư vấn hướng nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh


Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ về kết quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như mở các ngành nghề mới phù hợp với xu thế: “Nhà trường cam kết, sinh viên ra trường có việc làm với mức lương 7 - 8 - 18 triệu đồng/tháng, tùy theo DN và vị trí việc làm. Hiện nay, 90% số sinh viên của trường có việc làm trước khi tốt nghiệp.

"Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường 6 tháng. Sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Chăm sóc sắc đẹp có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất. Thậm chí, các DN phải đặt hàng trước, bởi vì trong quá trình học, sinh viên đi thực tập ở công ty đã được giữ lại làm việc luôn. Những DN cơ khí, hàn có nhu cầu tuyển nhiều lao động trong khi nguồn tuyển ít nên đã trả lương cao hơn để thu hút sinh viên"…

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội,… cũng mở thêm những ngành mới để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị có lợi thế gần 50 năm đào tạo các ngành nghề về công trình xây dựng, hạ tầng, đô thị. Nhưng để đáp ứng xu thế xã hội, 7 - 8 năm trở lại đây, nhà trường đào tạo chương trình 9+ và mở thêm mã nghề Dịch vụ nhà hàng - khách sạn và một số ngành khác.

“Việc mở ngành nghề mới là đúng hướng. Mỗi năm nhà trường tuyển sinh được 2 - 3 lớp Dịch vụ nhà hàng - khách sạn, các em học sinh rất thích học nghề này. Sau khi tốt nghiệp, các em lựa chọn đi làm việc ngay có thu nhập 7 - 12 triệu đồng/tháng hoặc học liên thông lên cao đẳng, xét tuyển đại học” - cô Phùng Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kiểm định chất lượng và kết nối DN, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị cho hay.

Chọn nghề phù hợp xu hướng

Trước thực tế, sau đại dịch Covid-19, nhiều DN trong ngành Du lịch thiếu hụt nhân lực, một số trường cao đẳng, trung cấp ở Hà Nội vốn đào tạo những nghề không liên quan đã mạnh dạn chuyển hướng mở thêm ngành Quản trị Nhà hàng - khách sạn, Kỹ thuật pha chế đồ uống...

Bên cạnh đó, các trường còn phát triển thêm những mã nghề dịch vụ đang trở thành xu hướng của mọi người như Chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật pha chế đồ uống. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho hay: "Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi đã nghĩ đến việc mở thêm mã nghề. Và năm vừa qua, nhà trường mở nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống, tuyển sinh được một lớp. Chúng tôi đang nghiên cứu để tiến tới mở một số nghề như Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp"…

Song song với việc mở nghề mới, các cơ sở GDNN đều tuyển dụng thêm đội ngũ giáo viên. Đối với những ngành nghề truyền thống mà ít học sinh đăng ký, các trường chọn giải pháp vẫn duy trì đào tạo. Đồng thời, các trường cử giáo viên những nghề truyền thống có ít học sinh đăng ký đi đào tạo lại, đào tạo bổ sung để thích ứng với nghề mới, nghề liên quan. Chẳng hạn, Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội có nghề Điện - Điện công nghiệp, Điện tử nhưng khi nghề Điện lạnh phát triển thì lãnh đạo trường cử giáo viên Điện - Điện công nghiệp đi học tập bồi dưỡng để chuyển đổi cho phù hợp với xu thế chung.

Với việc mở thêm ngành mới phù hợp với xu thế, các cơ sở GDNN cho biết, cơ bản học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều được DN đón nhận. Điều này được thể hiện ở ngay trong chương trình bế giảng khóa học, các DN đến tận trường để tư vấn, giới thiệu việc làm và học sinh, sinh viên sẽ là người lựa chọn nơi làm việc, vị trí việc làm phù hợp với bản thân. Tại Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội có khoảng 90% - 95% học sinh tốt nghiệp đi làm luôn, với mức lương 8 - 11 triệu đồng/tháng; còn lại 5 - 10% các em học liên thông lên trình độ cao đẳng.

Trong hoạt động đào tạo nghề, ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ có sự thay đổi hoặc chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp. Với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong đời sống thực tế ngày càng phát triển, cộng với việc sử dụng mạng xã hội của người dân ngày càng nhiều, các cơ sở đào tạo nghề đã và đang có sự dịch chuyển để thích nghi. Một số cơ sở GDNN đang dự tính mở những mã ngành liên quan, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ.

 

 

Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội là đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức đào tạo 17 ngành nghề trình độ trung cấp và khoảng 30 ngành nghề trình độ sơ cấp. Trong năm 2023 nhà trường mở thêm 7 ngành nghề mới, đó là nhóm ngành dịch vụ (Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; Quản trị khách sạn) và nhóm ngành ngôn ngữ (Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Anh); nhóm nghề: điện tử công nghiệp và Điện công nghiệp. Trong những năm tới, trí tuệ nhân tạo, quản lý môi trường, tái tạo năng lượng là những ngành nghề ngày càng phát triển. Vì thế, nhà trường sẽ đầu tư và mở thêm các mã ngành nghề thuộc lĩnh vực này để bắt nhịp xu hướng của người học.

 

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, tới đây nhà trường sẽ mở thêm một số ngành mới về nông nghiệp công nghệ nghệ cao, du lịch sinh thái, chíp bán dẫn…

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Công nghệ thực phẩm
Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Nhà trường dự kiến năm học 2024 - 2025 sẽ mở và tuyển sinh nghề Kinh doanh thương mại điện tử, Điều khiển nhà thông minh… Cùng với việc mở ngành mới, chúng tôi đã cử các giáo viên nhóm nghề Kinh tế và Công nghệ thông tin đi bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu”.