Mấy năm trở lại đây, Hà Nội có đến hàng nghìn vụ cháy gây thiệt hại về tài sản lên đến con số hàng trăm tỷ đồng. Nhưng con số thiệt hại về tính mạng con người càng khiến chúng ta bàng hoàng, thảng thốt! Đáng lo ngại hơn, mới đây Hà Nội công bố những con số “choáng” về vấn đề phòng cháy, chữa cháy.
Thống kê của UBND TP Hà Nội, trong hơn 5 năm (từ năm 2016 - 5/2022), trên địa bàn TP xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ. Có hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỷ đồng. Trong 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc…
Chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm PCCC, chiếm tỷ lệ 8,5%... Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do chập điện, sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, hàn cắt kim loại. Tính riêng, 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng.
Với những con số kể trên khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Với cả nghìn chung cư, nhà tập thể; mấy trăm trường học, cơ sở giáo dục và hàng trăm văn phòng làm việc... hiện nay vẫn chưa đảm bảo PCCC. Đến nay, những cơ sở đó nếu vẫn chùng chình trong việc khắc phục thì đồng nghĩa với việc “bà hỏa” vẫn còn tiềm ẩn ở nhiều nơi.
Điển hình là những vụ cháy tại các quán karaoke khiến nhiều người tử vong từng xảy ra. Ở đây, phải nói đến sự tắc trách của các cơ quan hữu quan trong quản lý PCCC đối với các hộ kinh doanh.
Vấn đề đặt ra là, có vụ việc sau khi xảy ra cháy nổ cơ quan chức năng mới vội vã thanh, kiểm tra, mà hầu như các quán đều “có vấn đề” về giấy phép an toàn PCCC… Rõ ràng, những tai nạn này đều có thể phòng, tránh từ trước chứ không phải rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nếu việc cấp phép xây dựng công trình, nhà xưởng, kiểm tra về an toàn PCCC được làm nghiêm ngặt, cơ sở nào chưa đáp ứng yêu cầu về PCCC chưa được cấp phép hoạt động thì đã kiềm chế được rất nhiều tai họa đáng tiếc. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng PCCC, cán bộ cơ sở.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Trước đó, lãnh đạo TP có văn bản về việc thực hiện khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động năm 2022. Yêu cầu các đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc; giao Công an Hà Nội theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết, làm rõ trách nhiệm trong sai phạm đầu tư xây dựng, quản lý công trình chung cư. Đồng thời, xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư chung cư cố tình vi phạm PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại vi phạm PCCC theo quy định.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, mà lực lượng nòng cốt là cảnh sát PCCC – Công an TP Hà Nội, đã tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm để nâng cao ý thức người dân cùng chung tay phòng chống “giặc lửa”. Rõ ràng, TP, các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp “mạnh tay” nhằm chấn chỉnh đối với cơ sở không đảm bảo PCCC.
Đồng thời, đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn chặn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, từ thực tế những vụ hỏa hoạn xảy ra, con số cơ sở vi phạm khắc phục (chỉ chiếm 8,5%) có thể thấy rằng, tình trạng đảm bảo an toàn cháy nổ vẫn đang ở mức báo động.
Suy cho cùng thì điều cốt yếu vẫn phải nằm ở ý thức người dân trong việc chấp hành quy định về PCCC. Và chỉ khi ý thức từ mỗi người dân được nâng lên, cùng chung tay đẩy lùi “giặc lửa”. Có như vậy mới giảm thiểu được những vụ việc đáng tiếc, đau lòng xảy ra!