Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những địa chỉ đỏ lưu dấu hình ảnh Bác Hồ ở Thủ đô

Lại Tấn - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có nhiều địa danh, di tích lịch sử Bác Hồ từng dừng chân. Trong đó, nhiều di tích đã trở thành di sản, được thế hệ trẻ tìm đến để học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu một số "địa chỉ đỏ" lưu dấu Bác Hồ tại Hà Nội:
  Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969). Ngôi nhà sàn bằng gỗ tuy đơn sơ, giản dị, nhưng đã trở thành biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà sàn được dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ, giữa những vườn cây xanh tươi.
Nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại ngôi nhà này từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9/1945.
Tại một căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhà số 48 phố Hàng Ngang được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29/4/1979.
Khu di tích K9 (Ba Vì, Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư làm việc trong giai đoạn chiến tranh.
Khu Di tích K9 cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía Tây, nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì. Khu di tích được chia làm 4 khu: A, B, C, D.. Nơi đây là ''địa chỉ đỏ'' được nhiều cơ quan, tập thể, cá nhân đến tìm hiểu, học tập làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc - nơi Bác viết ''Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến''.
  Theo thông tin của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, từ ngày 3/12 đến ngày 19/12/1946.
 Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
  Gần 70 năm qua, căn phòng nơi Bác viết ''Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến'' được giữ gìn, bảo vệ tốt các di vật như: Chiếc giường gỗ, bàn viết, ngọn đèn dầu.
 Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
  Sở dĩ, địa điểm trên được lựa chọn để Bác dừng chân nghỉ ngơi trong những ngày đầu Bác từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô là bởi nơi đây vốn là cơ sở cách mạng, từng nuôi dưỡng và bảo vệ nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong. Ngày 23/8/2019, phường Phú Thượng đã tổ chức Lễ đón Bằng di tích lịch sử cấp TP đối với di tích này.
 Nơi đây, đã trở thành địa điểm tham quan và đón tiếp hàng nghìn người dân và du khách thăm mỗi năm.
 Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Nguyễn Văn Cao (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ).
 Với tình cảm đặc biệt và kính yêu vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cao (83 tuổi) ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xây dựng một phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ trong chính căn nhà của mình.
 Ông Nguyễn Văn Cao đã dành gần 12 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm ít ỏi của mình để làm các khung ảnh và trang trí phòng lưu niệm. Cùng với hàng trăm bức ảnh giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phòng lưu niệm còn có một cuốn sách đặc biệt do ông tự viết, tự in và gìn giữ như một báu vật. Đó là cuốn sách in bài sử dài tới 1.456 câu thơ lục bát ông tự sáng tác trong gần 10 năm về những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác.