Kết thúc năm 2021, vượt qua mọi khó khăn, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cộng đồng DN đã có chiến lược cụ thể duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Đồng thời kỳ vọng vào một năm 2022 với nhiều tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Dưới đây là những chia sẻ của các doanh nhân xung quanh vấn đề này.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú: Thành công sẽ đến nếu doanh nghiệp biết liên kết, tính toán nâng tầm
Bất cứ một dịch bệnh, hay cuộc khủng hoảng nào đều là tự nhiên sắp đặt để tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái, cũng như trong cuộc sống. Do đó, cứ mỗi cơn bão xảy ra, cây nào yếu sẽ chết đi và để lại khoảng trống, chất dinh dưỡng cho cây có sức khỏe, cây mới vươn lên. Đó là quy luật của tự nhiên. Tương tự như dịch bệnh quét qua toàn cầu sẽ loại bỏ những DN yếu, không có sự chuẩn bị tốt, nhưng lại mở rộng ra, mầu mỡ nhiều hơn cho các DN còn lại. Đây là câu chuyện sẽ khiến nhiều DN rời khỏi cuộc chơi, nhưng đổi lại ai còn tồn tại sẽ hưởng cơ hội vô cùng lớn.
Có thể nói, trong kinh doanh lúc kiếm tiền dễ nhất là lúc khủng hoảng, còn trong trạng thái bình thường vô cùng khó khăn vì sự cạnh tranh lớn. Dịch bệnh gây khủng hoảng toàn cầu, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều cơ hội, đơn cử như đầu tư vào cổ phiếu tháng 3 – 4/2020 giờ cao lên gấp 3 lần. Hay nếu DN nào đầu tư vào nguyên liệu cơ bản cuối năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, gấp rưỡi… đó chính là cơ hội.
Hiện ngành du lịch, dịch vụ lữ hành rất phù hợp với DNNVV nhưng cực kỳ khó khăn trong 2 năm qua, song tôi tin vào giữa năm 2022, DN nào còn trụ được sẽ bùng nổ vì nhu cầu bị nén lại, chôn chân ở nhà lâu dài của du khách do ảnh hưởng của dịch.
Cơ hội sẽ đến khi mọi thứ trở lại bình thường, sự thành công chắc chắn sẽ đến với DN có nền tảng, sự chuẩn bị, tính toán, đặc biệt nếu có sự liên kết hỗ trợ nhau cùng vượt khó khăn và phát triển. Lúc đó, DN sẽ thay đổi quy mô, nâng tầm vóc bản thân.
Sunhouse hiện đang kinh doanh khá nhiều lĩnh vực, như đồ gia dụng có hệ sinh thái 8 nhà máy và cần rất nhiều dịch vụ liên quan để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh từ nguyên vật liệu, marketing, quảng bá... Mảng thực phẩm có thương hiệu Richky có 3 nhà máy, hay mảng logistics, cáp điện… nếu DN có nhu cầu tìm hiểu, trao đổi, liên kết theo quy luật thị trường, do thị trường điều phối, bán giá cao hơn không ai mua, bán thấp sẽ lỗ… để có thể tạo chuỗi liên kết cùng phát triển.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường: Chiến lược kinh doanh thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế
Là DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, cùng với cộng đồng DN, M2 Việt Nam đánh giá cao Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã đúng và trúng, kịp thời mở ra điều kiện tốt cho các cá nhân, DN nhằm khôi phục nền kinh tế, ổn định sản xuất trong thời điểm cuối năm thị trường may mặc vô cùng sôi động.
Hiện tại, trên toàn thế giới cũng đều thực hiện chế độ bình thường mới, thích ứng an toàn với dịch bệnh và đối với DN đây vừa là cơ hội vực dậy lại kinh tế hậu Covid-19, vừa là thách thức đảm bảo an toàn cho người lao động và xã hội.
Trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp, M2 Việt Nam luôn xây dựng kịch bản phát triển cho nhiều tình huống và ứng biến kịp thời, thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, bán hàng, M2 Việt Nam tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cuối vụ hấp dẫn, chương trình tặng áo, kết hợp bán hàng online và offline... để thúc đẩy hàng hóa đưa Thời trang M2 hoạt động ổn định trở lại.
Thời gian tới, M2 Việt Nam tiếp tục sắp xếp công việc cho người lao động phụ thuộc tình hình thực tế đảm bảo năng suất, tiến độ của DN. Linh hoạt trong việc sắp xếp nhân công phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và thời cuộc. Để ổn định sản xuất kinh doanh, M2 Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều đổi mới trong chiến lược kinh doanh và xây dựng thương hiệu.
Theo đó, M2 tiến hành thực hiện chiến lược kinh doanh ngắn hạn, dễ thay đổi theo tình hình thực tế như thay đổi chiến lược giờ làm – điều chuyển nhân công linh hoạt, chuyển sang hình thức làm việc bán online với những vị trí để đảm bảo an toàn cho nhân viên công ty, cũng như đảm bảo được tiến độ và khối lượng công việc.
M2 Việt Nam luôn nỗ lực vực dậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, song song với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên và xã hội.
Tôi tin rằng, tất cả các cá nhân, tổ chức, DN cùng chung tay với Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp tăng trưởng kinh doanh trong thời kỳ “bình thường mới” sẽ vực dậy được nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt: Điểm sáng trong khó khăn và niềm tin vào mục tiêu dài hạn
Năm 2021 kết thúc, được đánh giá là đầy khó khăn với DN do diễn biến phức tạp của dịch. Tại Việt nam với 4 lần bùng phát, có những giai đoạn rơi vào cực kỳ khó khăn về khủng hoảng kinh tế.
Song, May 10 đã nỗ lực hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho năm tiếp theo hướng tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%.
Đến thời điểm hiện tại, May 10 tự hào được đánh giá là có “điểm sáng” nhờ sự phục hồi kinh tế của các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản do đã kiểm soát được dịch bệnh nên đơn hàng tại 3 thị trường này chiếm trên 80% tỷ trọng doanh thu.
Nhờ đó, trong năm 2021 nếu tính riêng sản phẩm truyền thống, May 10 cũng đã hoàn thành kế hoạch đề ra, tăng trưởng vượt so với năm trước dịch 2019, vượt tương đối nhiều so với năm 2020 nếu chỉ tính riêng mặt hàng xuất khẩu (năm 2020 có sản phẩm bảo hộ y tế và khẩu trang). Nhờ đó, trong năm 2021, tính thu nhập cho người lao động May 10 đã tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt thời điểm cuối năm, người lao động mong chờ thu nhập bình quân cả năm, trong đó có lương tháng thứ 13. Dự kiến, ngoài thu nhập cả 12 tháng tăng 8,5%, May 10 sẽ chi trả lương tháng thứ 13 để bằng mức năm ngoái, tương đương 1,5 tháng lương.
Với khoảng thời gian phải chịu đựng tác động của dịch Covid-19 quá dài, May 10 vẫn có niềm tin, lạc quan với sự điều hành của Chính phủ, đơn cử như Nghị quyết 128/NQ-CP về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, một mặt đảm bảo an toàn cho người dân, một mặt phục hồi sức khỏe của các DN.
Cùng với đó, các gói kích thích hỗ trợ người dân là luồng “Oxy mới” để kích thích và hồi phục sức khỏe của DN. Nếu gói hỗ trợ trực tiếp người dân là giải pháp tức thời trong khi dịch bệnh kéo dài, song để có cái nhìn dài hạn phải có gói kích thích gián tiếp cho người dân đó chính là hỗ trợ cộng đồng DN. Nếu phục hồi phát triển kinh tế đương nhiên người dân sẽ có việc làm và thu nhập. Đó chính là mục tiêu phục hồi kinh tế trong dài hạn, chứ không phải ngắn hạn.
Cần phải khẳng định, cách điều hành của Chính phủ như hiện nay đã có những đánh giá tổng quát và nhìn nhận vào thực tế không chỉ tình hình kiểm soát dịch bệnh, mà còn sức khỏe của cộng đồng DN. Hy vọng, năm 2022 với chính sách điều hành linh hoạt, an toàn hiệu quả, cộng đồng DN cũng có niềm tin, nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh của mình.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Đào Nam Phong: Thích ứng để Sơn Hà vượt khó
Là Tập đoàn đa ngành, Sơn Hà nhìn nhận các chính sách, nhất là Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã củng cố động lực để các DN tích cực phục hồi mạnh hơn.
Việc thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát dịch hiệu quả trong tình hình mới không chỉ cho Sơn Hà mà cộng đồng DN tìm hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn. Điều này cũng cho thấy, các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ đang đi theo đúng hướng và đang khởi động lại quá trình mở cửa nền kinh tế một cách tích cực nhưng đủ thận trọng, góp phần tạo niềm tin, củng cố động cơ để các DN tích cực phục hồi mạnh hơn.
Song song với đó là ý thức và nỗ lực phục hồi của DN. Đây chính là cơ sở để xác định đúng yêu cầu, tìm kiếm và lựa chọn đúng hệ giải pháp ưu tiên để sử dụng và phát huy tốt nhất nguồn lực phục hồi đang khan hiếm hiện nay. Việc tạo điều kiện cho các DN duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và quyết liệt thực hiện.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 như một thời cơ thực hiện đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Do đó, các DN cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, nhất là những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế.
Bên cạnh những khó khăn thì trước mắt cũng có nhiều cơ hội như khi dịch được kiểm soát, kinh tế hồi phục, duy trì trạng thái sống chung với dịch, các DN lớn quay lại hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy các DN nhỏ phát triển.
Sơn Hà đang trong quá trình định vị lại, tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn với nhiều dự án chiến lược lớn như: Chiến dịch “Tôi thay đổi” để mang đến cho Sơn Hà một diện mạo mới; kích hoạt dự án “Khung năng lực” nhằm xây dựng, phát triển hệ thống nguồn nhân lực bền vững.
Ngoài ra, Sơn Hà đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng và quyết liệt để tạo ra một sự thay đổi mang tính đột phá, góp phần đưa Tập đoàn tăng tốc sau đại dịch.
Sơn Hà hiện là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, đầu tư đa dạng trên các lĩnh vực: Sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng, công nghiệp; khai thác, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; phát triển năng lượng sạch; bất động sản công nghiệp…
Hiện nay, Sơn Hà sở hữu 18 công ty thành viên, 9 nhà máy trong nước và quốc tế. Hệ thống phân phối sản phẩm của Sơn Hà trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 20.000 nhà phân phối và các chi nhánh tại nước ngoài. Các sản phẩm của Sơn Hà không chỉ phục vụ hàng chục triệu gia đình Việt mà còn xuất khẩu tới hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương: Mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đặc biệt, dịch đã phát sinh tại các khu công nghiệp nên nhiều DN phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất, tổ chức các phương án duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện vừa sản xuất, vừa chống dịch để đảm bảo hoạt động được thông suốt và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Song Phương cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Để đảm bảo cho 50 cán bộ công nhân viên hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, DN đã phải thay đổi rất nhiều chiến lược trong sản xuất để thích ứng kịp thời và đảm bảo nguồn hàng hóa được thông suốt như hạn chế đi lại, tiếp xúc điểm đến và điểm đi của công nhân sản xuất.
Đối với khối thương mại, kinh doanh DN quán triệt toàn bộ làm việc online tại chỗ, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên được đặt lên hàng đầu, 100% cán bộ công nhân viên tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống Covid-19. Sắp xếp việc phòng chống dịch khoa học và đi đôi với hoạt động sản xuất.
Ngoài nỗ lực của DN, nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhưng mong sớm thực hiện mở hơn, sâu rộng hơn để các DN dễ hoạt động, nhất là trong vấn đề vận tải lưu thông hàng hóa.
Mong Chính phủ vào cuộc để ổn định các nguồn nguyên vật liệu sản xuất sát xao hơn cho các DN giảm được chi phí sản xuất, để có nguồn kinh phí chống dịch hiệu quả.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang ảm đạm, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, thắt chặt chi tiêu và tâm lí, ý thức ngại mua sắm ở chỗ đông người do ảnh hưởng của dịch... Dựa vào yêu tố đó, Song Phương đẩy mạnh mảng kinh doanh online và thực hiện giao thương trên các sàn giao dịch điện tử hiện nay được hướng tới và vận dụng triệt để nhất.
Vượt qua thời kỳ khó khăn nhất đối với DN trong 7 năm hoạt động sản xuất thực phẩm, nhờ chiến lược và sự nỗ lực của mình, với sản phẩm phở khô Hà Thành, Song Phương đã hợp tác với các chuỗi thực phẩm sạch, chuỗi siêu thị, các kênh phân phối ở nhiều tỉnh thành cả nước để duy trì DN.
Mục tiêu khi tình hình dịch cơ bản được khống chế, trong quý I/2022, Song Phương quyết tâm thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2021 còn dang dở, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản và Đông Âu. Hi vọng sẽ thành hiện thực và đó cũng chính là dấu hiệu phục hồi sản xuất của DN trước khó khăn.