Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui ngày trở về

Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đôi khi, tôi thầm hỏi: “Đời người có bao lần đi xa để trở về?” Với riêng tôi, quãng đường dù dài hay ngắn, thời gian dù bao lâu, nhưng cảm xúc ngày trở về bao giờ cũng có chút hân hoan, xúc động lạ thường.

Các cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón mừng của người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Các cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón mừng của người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi theo mẹ về quê ngoại chơi mà không có bố đi cùng. Khi trở về Hà Nội, tôi cứ cuống lên, nửa muốn chạy ùa vào nhà với bố, nửa muốn đi thật nhẹ nhàng để “rình” xem bố đang làm gì. Và, thật tình cờ, bố từ trong nhà bước ra, tôi chạy thật nhanh đến, bố bế bổng tôi lên. Cảm giác lúc đó thật vui sướng làm sao.

Sau này, tôi có nhiều chuyến đi xa, mỗi lần trở về, khi máy bay hạ độ cao, Hà Nội dần hiện ra, tôi luôn xốn xang vui sướng. Mảnh đất Hà thành níu giữ trái tim tôi bởi ký ức thân thương gắn với mái ngói lô xô thấm màu thời gian, con sông Hồng như dải lụa mềm mại uốn lượn dịu dàng cùng những con đường mỗi mùa một sắc hoa, thấm màu kỷ niệm.

Đời người, có chuyến trở về đặt dấu ấn đáng nhớ. Anh trai tôi sống ở châu Âu trong nhiều năm. Đến một ngày, anh quyết định bỏ lại tất cả nơi phương xa, trở về Việt Nam sinh sống. Trước ngày anh bay về nước, bố của tôi trở bệnh nặng, phải nhập viện. Thời điểm đó, có những giây phút tôi tưởng như anh không thể gặp bố lần cuối. Thật kỳ diệu, anh và bố đã được nắm tay nhau sau nhiều năm xa cách. Giây phút hội ngộ khiến những người chứng kiến thật sự xúc động.

Với những người lớn tuổi tại Hà Nội, niềm vui chiến thắng ngày 10/10/1954 là ký ức sâu đậm không phai. Đó là thời điểm quân Pháp buộc phải rút khỏi Thủ đô sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Các đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc và các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ tiến về tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan của người dân.

Ngày 10/10/1954, Ủy ban quân chính thành phố và các đơn vị của quân đội tiến vào Hà Nội từ 5 cửa ô. Người dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về với cờ hoa rực rỡ. Đúng 15h, khi tiếng còi ở Nhà hát Lớn vang lên, cả Hà Nội hướng về Cột Cờ, tiến hành Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên, giai điệu bài hát “Tiến quân ca” vang lên thật hào hùng. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong không khí trang nghiêm và xúc động.

Thấm thoát, 70 năm đã trôi qua, quân và dân Hà Nội luôn phát huy nội lực, vượt qua bao thách thức, khó khăn, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, xây dựng Thủ đô phát triển lên tầm cao mới. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và vươn ra hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Những ngày này, tại Hà Nội diễn ra chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Những hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, của quân và dân Hà Nội. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 133 - KH/BTGTU về việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cuộc thi được triển khai nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Dòng thời gian trôi, có những niềm vui ngày trở về mãi đọng lại trong tim ta. Có những dư âm hào hùng lịch sử dân tộc còn vang vọng, lưu dấu mai sau, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người dân Hà thành xây dựng và phát triển Thủ đô, xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.