Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo con học ngoại ngữ

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận nói nhiều về chuyện giáo viên dạy tiếng Anh nhưng… nghe nói, kém, không đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Dư luận cũng nói nhiều về việc quá đề cao chứng chỉ tiếng Anh IELTS, như việc dùng nó để tuyển thẳng vào các trường đại học. Hai việc này tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng thực ra được kết nối thông qua tư duy học ngoại ngữ hiện nay.

Về việc thứ nhất, trên báo chí cho biết, hiện tỉnh Thanh Hóa có 2.580 giáo viên dạy ngoại ngữ, chủ yếu tiếng Anh. Theo khảo sát, năm 2019, số giáo viên đạt yêu cầu của Bộ GD&ĐT ở tỉnh này chỉ chiếm 44.8% tổng số. Trong đó, khả năng nghe nói của số giáo viên không đạt chuẩn còn yếu.

Đây là thực tế, theo chúng tôi, không chỉ có ở Thanh Hóa. Nhiều người cho biết, giáo viên ngoại ngữ, nhất là những người lớn tuổi, thường yếu về nghe, nói.

Theo dõi con cái học môn ngoại ngữ ở huyện ngoại thành Hà Nội, chúng tôi thấy các cháu chủ yếu được học từ vựng, ngữ pháp; thiếu hẳn phần nghe - nói dù cũng có được đề cập trên tiết học.

Ngay cả khi cho con học thêm môn tiếng Anh, qua theo dõi lớp trực tuyến, giáo viên chủ yếu dùng tiếng Việt để dạy (và nói rất nhiều), cũng chú trọng dạy từ vựng và ngữ pháp.

Một phụ huynh than: “Con cái học ngoại ngữ như vậy, dù thi có điểm cao cũng chẳng học được gì nhiều và không sử dụng ngoại ngữ được”.
Cô giáo trao đổi với phụ huynh cho rằng, dạy các cháu như vậy là để đáp ứng nhu cầu thi học kỳ, thi cuối năm, chuyển cấp…

Quy trở lại việc thứ hai là chứng chỉ IELTS, việc nhiều “chuyên gia” cho rằng là đang bị đề cao quá.

Chúng tôi không đủ trình độ để tranh luận việc học IELTS sao được xã hội, các trường đại học đề cao, nhưng được biết cách học và thi chứng chỉ này là đúng hướng. Học và thi IELTS toàn diện, bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Đây là chứng chỉ mang tính quốc tế, có tính thực chất rất cao, người học đạt điểm như thế nào sẽ tương ứng trình độ như vậy.

Do vậy, chúng ta không cần đề cao chứng chỉ IELTS cũng được thôi, nhưng phải làm sao cách học và thi ở trong các nhà trường hiện nay cũng phải thực chất.

Có ý kiến cho rằng, học sinh trình độ ngoại ngữ yếu là do ý thức học còn kém. Bất cứ vấn đề gì trong giáo dục nếu đổ lỗi cho người học là dễ nhất.

Thiết nghĩ, chúng ta muốn có những học sinh học ngoại ngữ biết nghe - nói - đọc - viết, trước hết phải ra đề thi yêu cầu thi những kỹ năng này. Có như vậy, buộc quá trình dạy - học diễn ra theo hướng này.

Lúc đó, điều quan trọng là giáo viên phải nghe và nói tiếng Anh giỏi, chuẩn; sau đó là kỹ năng sư phạm, sách giáo khoa, chương trình - thời lượng giảng dạy.

Hiện nay, trên cả nước có hàng ngàn trung tâm dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Những trung tâm này đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho hàng chục vạn học sinh, trong đó nhiều em theo học IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác.

Có bao giờ chúng ta thử hỏi tại sao có hiện tượng như vậy, khi các trường đều có giáo viên dạy ngoại ngữ?

Người dân mong muốn, đã đến lúc chúng ta đưa việc dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đi vào thực chất, tránh lãng phí thời gian của nhiều người, của hàng triệu học sinh.