Cách đây hơn 10 năm, khi các bức vẽ graffiti (nghệ thuật đường phố) xuất hiện ở trong khu ăn chơi của giới trẻ Zone 9 (số 9 Trần Thái Tông và 38 Nguyễn Huy Tự, Hà Nội) đã mang lại cảm giác thích thú, mới lạ cho người xem. Giới nghệ thuật cũng tạm chấp nhận là xu hướng hội họa, quan trọng hơn là nó xuất hiện trong không gian riêng, không phải trên các bức tường đường phố hay toa tàu, bốt điện như hiện nay.
Từ cánh cửa, bức tường nhà dân, nơi công cộng đến các công trình kiến trúc lịch sử, dự án trọng điểm quốc gia, đâu đâu cũng bị những người vẽ tranh đường phố bôi bẩn bởi những hình ảnh nhếch nhác, kỳ dị.
Những “tác phẩm” này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây thiệt hại tài sản của người dân, Nhà nước. Năm 2017, tàu metro Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội cũng từng bị vẽ bậy với những bức hình theo dạng graffiti.
Đến năm 2022, sự việc tương tự lại bị lặp lại với toa tàu metro tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Đi dọc một số con phố quanh Hồ Tây (Hà Nội) du khách cũng bị đập vào mắt những bức tường bị bôi bẩn bởi graffiti.
Trên thế giới graffiti được công nhận là nghệ thuật từ những năm 1970 và đến giờ đã không còn gì mới mẻ. Nó vẫn phù hợp chỉ với một nhóm người, và không phải bản sắc đường phố Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt đúng chỗ, đúng người, graffiti là một phần không thể thiếu của nghệ thuật công cộng.
Và ở Việt Nam, graffiti chỉ là trào lưu phái sinh từ bên ngoài với những thực hành mang tính tự phát. Nên nó sẽ chỉ dừng ở phong trào chứ khó mà phát triển ở đỉnh cao như một loại nghệ thuật gắn kết và thúc đẩy phát triển xã hội hoặc thẩm mĩ. Đặc biệt, môn nghệ thuật đường phố này trong khi chưa được đón nhận rộng rãi ở Việt Nam, thì những hành vi bôi bẩn khiến công chúng có cái nhìn khắt khe hơn với graffiti.
Thực tế, hành vi vẽ bậy, bôi bẩn các bức tường TP là vi phạm pháp luật. Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu rõ: Nếu vẽ làm xấu cảnh quan và có thể làm bẩn khuôn viên nhà người khác, nơi công cộng, người vẽ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác, làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất kinh doanh của người khác; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Mặc dù đã có quy định xử phạt, nhưng thực tế chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan chưa mạnh dạn xử phạt. Nên khi được hỏi cơ quan quản lý đã từng xử phạt được trường hợp vẽ graffiti nào, dễ nhận được câu trả lời: Rất khó vì hành vi vẽ bậy này diễn ra lén lút vào ban đêm, khó phát hiện xử lý đối tượng. Như vậy, để ngăn chặn hành vi vẽ bậy, cần cách thức quản lý chặt chẽ hơn từ chính quyền địa phương.
Ngoài ra, để graffiti được đón nhận hợp pháp, cộng đồng graffiti Việt Nam cần có những phong cách thể hiện riêng và cũng có những quy tắc riêng khi vẽ: Không vẽ lên những nơi mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo, không vẽ đè lên hình người khác khi chưa được phép... Graffiti được thực hiện hợp pháp sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm tốt, khiến người khác có cái nhìn thiện cảm. Hơn nữa, việc thực hiện đúng các quy định, được thẩm định về tính nghệ thuật sẽ ngăn chặn được hành vi vẽ bậy, làm rác môi trường đô thị.