"Obama nước Pháp" có chiến thắng trong bầu cử Tổng thống?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bầu cử Tổng thống Pháp chuẩn bị bước vào vòng bỏ phiếu đầu tiên. Ứng viên Macron đang được đặt nhiều hy vọng sẽ đánh bại chủ nghĩa dân túy.

Trong số 4 ứng cử viên đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế đang là niềm hy vọng đánh bại ứng viên theo chủ nghĩa dân túy Le Pen.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của hãng Ipsos-Sopra Sterna, ông Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen dự kiến sẽ nhận được 22% phiếu bầu trong vòng 1 cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tới. Nếu bà Le Pen ủng hộ chủ nghĩa dân túy và được ví là "Donald Trump của Pháp" thì ông Macron được gọi là "Obama nước Pháp".
 Ứng viên Macron được hy vọng sẽ là luồng gió mới trong cuộc bầu cử năm nay.
Ông Emmanuel Macron là ứng viên sáng giá, đại diện cho chủ nghĩa tự do thương mại, trái ngược với nữ ứng viên Le Pen ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và từng tuyên bố sẽ nối gót Anh thực hiện Frexit (Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu). Vì vậy, nếu bà Le Pen giành chiến thắng, khả năng chủ nghĩa dân túy sẽ thống trị châu Âu và sự tồn tại của khối EU sẽ ngày càng tiến sát đến bờ vực sụp đổ.
Hiện ông Macron đang được cho là niềm hy vọng lớn nhất để đánh bại ứng viên cực hữu Marine Le Pen. Ông Macron từng là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande vào năm 2014 và được miêu tả như là một ứng cử viên ủng hộ cho toàn cầu hóa.
Từng là một nhân viên đầu tư ngân hàng, ông Macron có quan điểm ủng hộ DN và thị trường tự do với đề xuất cắt giảm thuế DN trong cương lĩnh tranh cử của mình.
 Ông Macron (áo trắng, giữa) và những người ủng hộ trẻ tuổi.
Đặc biệt, ông Macron nổi lên như một ứng viên trẻ trung, có sức thu hút với một chiến dịch tràn đầy năng lượng và tích cực về tương lai của Pháp. Nhiều người đã ví von ông Macron là "Obama của nước Pháp".
Fabiao - một người ủng hộ ông Macron cho biết, ứng viên này là một người trẻ trung, cuốn hút và thông minh. Nhưng điểm khiến Macron khác biệt so với những ứng viên khác là khả năng thấu hiểu và cảm thông, ông Fabiao nhấn mạnh. “Anh ấy có khả năng kết nối và cảm thông với mọi người”, ông nói. Ông không giấu diếm quan điểm cởi mở với người di cư, ủng hộ đưa ra các giải pháp công bằng với người dân dù người đó là tầng lớp thượng lưu hay lao động.
Ứng viên Macron cũng được người ủng hộ đánh giá cao khi tập trung vào sự tích cực hơn là tiêu cựu. Chiến dịch của Macron thường chia sẻ về các chính sách hơn là công kích đối thủ.
Sự tích cực trong chiến dịch tranh cử của ông Macron khiến nhiều người gợi nhớ đến luồng gió mới từ ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2008. Bên cạnh đó, với tên gọi “Tiến bước” (En March), chiến dịch của ông cựu Bộ trưởng Kinh tế cũng có nét tương đồng trong việc kêu gọi sự đoàn kết để thay đổi xã hội như chiến dịch tranh cử “Chúng ta có thể” (Yes We Can) của ông Obama.
Vì vậy, giới truyền thông dự đoán, nếu ông Macron “tiến bước” thành công vào Điện Elysee, đây sẽ là sự trỗi dậy gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong nền chính trị Pháp.