Sau khi lời kêu gọi châu Âu cần đưa ra kế hoạch tự vệ trong một thế giới thù địch vào tuần trước, ông Macron đã tiết lộ thêm các nội dung chi tiết hơn xoay quanh ý tưởng này.
“Chúng ta cần tiếp tục tranh luận về vấn đề này, trong đó bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân ở các nước trong khu vực,"ông Macron khẳng định trong một phiên đối thoại hỏi đáp với các sinh viên châu Âu, được truyền thông Pháp hôm 28/4 đăng tải.
Ông Macron khẳng định học thuyết của Pháp là vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng khi lợi ích sống còn của quốc gia bị đe dọa.
Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh quan điểm này thông qua Ngoại trưởng Stéphane Séjourné trước thềm cuộc họp "Tam giác Weimar" với sự tham gia của các bộ trưởng Pháp, Đức và Ba Lan gần Paris vào ngày 29/4 tới.
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Welt của Đức hôm 28/4, Ngoại trưởng Séjourné khẳng định, cần có "hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thứ hai", bên cạnh NATO.
Tổng thống Macron thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mạnh để cố gắng thúc đẩy tranh luận về các vấn đề và thể chế quốc tế. Ông gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là “chết não” vào năm 2019 trước khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến tổ chức này hồi sinh bằng chiến dịch quân sự đặt biệt vào Ukraine.
Trong bài phát biểu với các sinh viên châu Âu, ông Macron cảnh báo rằng châu Âu sẽ diệt vọng nếu các thành viên không đưa ra những lựa chọn đúng đắn ngay từ bây giờ.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Macron kêu gọi thảo luận với các nước châu Âu khác về phòng thủ hạt nhân.
Trong bài phát biểu vào tháng 2/2020 tại Trường Cao đẳng Chiến sự Pháp, nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi châu Âu tạo ra một hệ thống phòng thủ tự chủ, đáng tin cậy và nêu ra ý tưởng về khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu.
Ông nói: “Tôi muốn xúc tiến một cuộc đối thoại chiến lược với các đối tác châu Âu, những người sẵn sàng và có chung quan điểm về vai trò răn đe hạt nhân đối với an ninh chung của khu vực. Lợi ích sống còn của Pháp hiện mở rộng ra ở châu Âu”.
Nhận xét của ông hiện tại cho thấy các bên đang nỗ lực thúc đẩy cuộc tranh luận về chủ đề này. Tuy nhiên, bối cảnh lại rất khác biệt, đáng kể nhất là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Điều đó đã thay đổi toan tính của một số nước châu Âu, ví như thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Theo ông Macron, châu Âu cần phải tiến xa hơn là chỉ dựa vào NATO, đặc biệt vì khối này sẽ không còn là ưu tiên địa chính trị của Mỹ trong nhiều năm tới.
“Chúng ta có một hình thức bảo vệ, đó là NATO,” ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn hôm 28/4. “Như tôi đã chia sẻ tại Sorbonne, giờ đây chúng ta cần tiến xa hơn và xây dựng một nền phòng thủ châu Âu đáng tin cậy”.