Theo PGS. TS Bùi Thị An, xe công là tài sản của Nhà nước, vì thế mọi người đều phải có quyền tiếp cận để mua, chứ không được phép thanh lý nội bộ.
Thanh lý xe công quá rẻ là điều không thể chấp nhận
Thông tin về việc các bộ, ngành, địa phương thanh lý xe ô tô công với giá trung bình 46,2 triệu đồng/xe khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch trong công tác thanh lý xe công. Bà bình luận thế nào về mức giá “rẻ như bèo” này?
- Cá nhân tôi cho rằng, con số thanh lý trung bình hơn 46 triệu đồng/xe công là rất cần phải xem lại. Có thể có những xe công thanh lý được giá cao hơn mức này; ngược lại cũng có những xe công đấu giá trúng thấp hơn.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là xe công là tài sản của Nhà nước, do Nhân dân đóng thuế mà có. Đã là tài sản công thì không được phép thanh lý nội bộ. Mọi người, mọi thành phần đều phải có quyền tiếp cận để mua. Phạm vi công khai đấu giá xe công phải rộng rãi chứ không chỉ trong phạm vi ngành đó, cơ quan đó. Ngoài ra, cách thức, quy trình đấu giá phải công khai, minh bạch. Cụ thể, phải cung cấp các thông tin về loại xe đấu thầu, chất lượng xe và tất cả các thông tin cụ thể liên quan đến chiếc xe đó. Tôi cho rằng, phải có đơn vị định giá, giá khởi điểm là bao nhiêu thì phù hợp, như vậy mới tránh được thất thoát tài sản Nhà nước.
Khoán xe công là để tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm tiền cho dân, mà bán xe thanh lý quá rẻ là điều không thể chấp nhận.
"Hà Nội là đơn vị thứ hai trong cả nước và là địa phương đầu tiên thí điểm khoán xe công cho 8 sở, ngành, quận, huyện. Chủ trương này là rất tốt, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các địa phương khác. Hà Nội cũng đã công bố sẽ công khai, minh bạch các thông tin đấu giá xe công. Như vậy sẽ chống thất thoát trong quá trình thanh lý tài sản Nhà nước này. " -PGS.TS Bùi Thị An |
- Đúng là theo Nghị định số 52/2009/NĐ-CP thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan T.Ư quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản Nhà nước thuộc phạm vi quản lý. HĐND cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản của các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương quản lý. Trường hợp việc thanh lý tài sản thực hiện theo hình thức bán đấu giá thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được bộ, ngành, địa phương giao nhiệm vụ phải thực hiện bán công khai, minh bạch theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ - CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Sau khi hoàn thành việc thanh lý, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, quy định như vậy không có nghĩa là Cục Quản lý công sản chỉ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo, mà cơ quan này còn phải có trách nhiệm định hướng, kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý tài sản công. Cục Quản lý công sản có thể không can thiệp các vấn đề chi tiết nhưng phải có định hướng, phải kiểm tra khâu đầu, khâu cuối. Là đơn vị quản lý công sản mà không quản lý để thất thoát tài sản Nhà nước thì đó là trách nhiệm của đơn vị này.
Người dân đánh giá cán bộ không phải vì phương tiện đi lại
Một trong hai phương án về chi phí khoán xe công đã được Bộ Tài chính đưa ra mới đây là nhân đơn giá khoán 16.000 đồng/km với quãng đường thực tế, điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, giảm trên 20%. Giá khoán 16.000 đồng/km này nếu so sánh với giá taxi hiện tại chỉ ở mức từ 7.000 - 12.000 đồng/km là đắt hơn nhiều. Bà nhận xét thế nào về điều này?- Tôi nghe đại diện Cục Quản lý Công sản giải thích trên báo chí rằng, giá đó là họ căn cứ theo tiêu chuẩn xe. Ví dụ, xe giá trị 1,1 tỷ đồng, 920 triệu đồng, 720 triệu đồng thì dự tính đưa ra phương án là 16.000 đồng/km. Giải thích như vậy, cá nhân tôi cho rằng không hợp lý. Cán bộ Nhà nước là công bộc của dân, dân đóng thuế để cán bộ làm việc, cống hiến. Xe cộ chỉ là một phương tiện đi lại, công tác, không thể nói vì tôi đi xe sang hơn taxi nên tôi nhận mức khoán cao hơn. Chỉ cần là phương tiện đi lại an toàn, thuận tiện là đủ rồi, không cần phải xe đắt tiền hay ít tiền ở đây. Người dân đánh giá cán bộ ở phẩm cách, ở hiệu quả công việc, sự gần dân, đóng góp vì dân chứ không phải vì cái xe anh đi lại.
Đại diện Bộ Tài chính cũng giải thích mức giá đó là xây dựng trong dài hạn, ví dụ khi giá xăng tăng sẽ không phải điều chỉnh. Điều này có hợp lý không?
- Tôi đặt câu hỏi ngược lại: Nếu giá xăng giảm thì Bộ tính sao với mức giá này? Đã là công bộc của dân, không nên tính toán chi li như thế.
Cũng theo Cục Quản lý công sản, những xe đã được bán thanh lý đều đã hết niên hạn sử dụng, nhiều xe phải tháo dỡ như đồng nát, nhiều xe lại quá cũ và lạc hậu. Và theo báo cáo mà Cục nhận được, con số thanh lý xe công bình quân đưa ra là hơn 46 triệu đồng/xe. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của việc thanh lý xe công. Theo bà, giải pháp nào để người dân tin tưởng hơn vào việc đấu giá tài sản công nói chung và xe công nói riêng?
- Niên hạn chỉ là một trong những thông số cần công khai khi thanh lý xe công. Nhiều xe đi trên 20 năm, thậm chí 30 năm nhưng số ki lô mét đi không nhiều thì giá sẽ khác với những xe kiểu “đồng nát” như Bộ Tài chính nói chứ. Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, cần phải công khai, minh bạch các thông tin đấu giá. Ví dụ, thông báo thế nào để nhiều người được tiếp cận thông tin đấu giá nhất, phải minh bạch các thông số cụ thể của chiếc xe được đấu giá, phải có đơn vị định giá tài sản độc lập để xác định mức giá khởi điểm…, chứ không phải chỉ nội bộ mới biết, mới mua được. Tôi nghe có thông tin, có những nơi xe công chỉ mấy người mua được và được mua mà thôi. Muốn dân tin, cứ công khai công bố danh tính những người trúng đấu giá. Như thế, mọi chuyện sẽ minh bạch hơn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe ô tô. Bà đánh giá thế nào về chủ trương này?
- Việc đấu giá biển số xe ô tô là chủ trương rất tốt. Đấu giá biển số đẹp sẽ tránh tình trạng tiền bị thất thoát vì mua bán biển số. Biển số xe là một phần tài sản chung, đấu giá lấy tiền làm công ích. Điều này có lợi cho cả người dân, Nhà nước tại sao lại không làm?
Xin cảm ơn bà!
Chấm dứt nhận xe biếu, tặng của doanh nghiệp Tại Thông báo 127/TB - VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận xe ô tô do DN tặng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các DN, đặc biệt là các DN có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, TP. Thủ tướng yêu cầu, đối với việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 64/2007 của Thủ tướng. Việc trang bị ô tô phục vụ cho công tác thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng. |