Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải kiên quyết loại bỏ điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp

theo VOV
Chia sẻ Zalo

Các bộ, ngành buộc phải phân loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ và các nguy cơ gây rủi ro để thực hiện việc cắt giảm giấy phép.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cắt bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó doanh nghiệp, thời gian qua nhiều bộ ngành đã kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ kiến tạo nhằm thay đổi tư duy quản lý Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh doanh, cạnh tranh và thúc đẩy sự sáng tạo.
 Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phần lớn các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, làm gia tăng chi phí sản xuất. Nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng đã tạo cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức…
Hiện cả nước có khoảng 4.284 điều kiện kinh doanh, ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất với 1.152 điều kiện.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh. Đây là lần đầu tiên một Bộ thành viên của Chính phủ tự rà soát và bãi bỏ các quy định của mình.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến có khoảng 55% các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương được đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa trong 16 ngành, nghề như xăng dầu, khí, hóa chất, rượu, thuốc lá thực phẩm điện, logistics
“Chúng tôi thấy rằng cần làm nhanh có quan điểm kiên quyết. Bước đầu của Ban soạn thảo và tổ biên tập, sẽ được tiếp tục nghiên cứu và rà soát, có thể cắt giảm thêm. Quan trọng là sẽ đánh giá tác động, không phải chúng ta cắt hay giữ lại một cách tùy tiện, cắt giảm đều phải có cơ sở thực tiễn, đảm bảo hài hòa các lợi ích”, ông Tân nói.
Một đơn vị thành viên khác của Chính phủ là Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho rằng, giảm thời gian cấp phép là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất. Hiện thời gian cấp phép xây dựng là 166 ngày với 10 bước thủ tục, liên quan đến nhiều Bộ, ngành.
“Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu và đưa ra phương án giảm thời gian cấp phép  theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chưa thực hiện được các quy định của pháp luật thì cần thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để làm sao thực hiện đồng thời các thủ tục vào cùng thời điểm. Đối với riêng rẽ từng thủ tục thì chúng ta cũng phải giảm thời gian thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng triệt để cơ chế một cửa và liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, Bà Hạnh cho biết.
Loại bỏ điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, tạo ra môi trường linh hoạt, thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo. Đến nay, nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động và đang có chiều hướng ngày càng tăng cả về quy mô và số lượng, có thể lên đến hơn 1 triệu doanh nghiệp.
 Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng.
Việc kiểm soát cả tiền kiểm và hậu kiểm, sẽ rất khó khăn. Do đó, các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao để thực hiện việc cắt giảm giấy phép “trói” doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, quản lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng làm sao để có được phương pháp quản lý ít tác động lên chi phí và tiết kiệm thời gian nhất cho doanh nghiệp là điều cần thiết.
“Có những điều gây thất bại cho doanh nghiệp một cách đau đớn, không phải vì thị trường, không phải vì họ kém thông minh. Đôi khi thất bại do không làm được thủ tục đúng thời gian. Một chữ cơ quan quản lý viết ra đôi khi gây ra chi phí hàng tỉ đồng cho xã hội. Nga ngay khi chúng ta chưa sửa luật, chưa gạch bỏ được những điều kiện kinh doanh trong luật, cần làm thế nào để thủ tục hành chính được nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít gây tác động, mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay hướng tới thúc đẩy sự cạnh tranh, sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.