Phạm tội liên quan dịch Covid-19: Hình phạt lên đến 12 năm tù

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc ban hành công văn hướng dẫn chi tiết Điều 240 Bộ luật Hình sự về các tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đấu tranh, phòng ngừa, xử lý hành vi phạm tội liên quan đến dịch Covid-19” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhấn mạnh.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, TP đã xảy ra rất nhiều trường hợp trốn cách ly, chống đối cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ về cách ly nhưng chưa bị xử lý.

 Việc chủ động khai báo, cách ly sẽ giúp việc kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn

Điều này khiến cho dư luận, người dân hết sức phẫn nộ. Vô tình khiến cho nhiều trường hợp thuộc diện bị cách ly hoặc buộc phải khai báo y tế coi thường và thực thiện hành vi trái pháp luật như trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không khai báo y tế, từ chối, trốn tránh việc cách ly. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc phòng chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể người dân Việt Nam.

Đã có rất nhiều quan điểm, ý kiến của các chuyên gia pháp luật, luật sư về việc cần thiết phải khởi tố một số trường hợp tiêu biểu về trốn cách ly, từ chối cách ly, thậm chí khai báo gian dối, từ chối khai báo để xảy ra tình trạng bệnh dịch lây lan để làm gương cho trường hợp khác.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, nhưng thực tế đến nay, chưa có bất cứ vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, Điều 240 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể như thế nào để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không? Chính vì thế, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể đưa ra quyết định về việc có khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.

 Kiểm tra, theo dõi sức khỏe hàng ngày của người cách ly tại ký túc xá Đại học FPT (Hà Nội)

Ngày 30/3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gửi Công văn số 45/TANDTC-PC tới Chánh án TAND các cấp, Chánh án Tòa án Quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Công văn số 45/TANDTC-PC đã hướng dẫn chi tiết Điều 240 Bộ luật Hình sự về các tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Đây là văn bản hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đấu tranh, phòng ngừa, xử lý hành vi phạm tội liên quan đến dịch Covid-19.

Cụ thể, tại công văn đã quy định rất rõ ràng về các hành vi khách quan sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự như: Trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối…

Với quy định cụ thể các hành vi khách quan và những trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Công văn số 45/TANDTC-PC đã làm rõ được các yếu tố cấu thành của Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đây chính là cơ sở pháp lý rất vững chắc để có thể xử lý hình sự người vi phạm và đủ sức răn đe, phòng chống dịch Covid-19.

“Đương nhiên, với nhiều người thuộc diện phải cách ly, buộc phải khai báo y tế sẽ không dám vi phạm, nếu cố tình vi phạm chắc chắn rằng sẽ phải đối diện với việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù. Với quy định này, chúng ta tin chắc rằng đây chính là biện pháp mạnh tay nhất mà chúng ta thực hiện để đối phó với dịch bệnh Covid-19” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần