Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà:

Phản ứng chậm với chính sách là thất bại trên mặt trận truyền thông

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị báo chí phải nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn…

Theo đó, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với tình cảm gắn bó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trân trọng gửi tới lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo năm mới sức khỏe, thành công.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giao ban báo chí không chỉ là một hoạt động truyền thống hàng năm mà còn là cơ chế hết sức quan trọng để các cơ quan báo chí đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thông qua các định hướng được đưa ra tại hội nghị.

Phó Thủ tướng nêu rõ, những khó khăn, thách thức trong năm 2021, 2022 không chỉ đối với Việt Nam mà là những thách thức sống còn, giai đoạn đã chứng kiến đến cực đỉnh những vấn đề  toàn cầu như: đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, thách thức của mô hình phát triển không cho phép con người có thể đi xa hơn mà phải thay đổi từ tư duy đến nhận thức. Vì thế, theo Phó Thủ tướng, Hội nghị này đặt ra rất nhiều vấn đề quan trọng cho việc thay đổi tư duy để phát triển.

Nhấn mạnh, nền báo chí cách mạng đang bước vào một giai đoạn có thể thấy cơ hội và quyết tâm đều có đủ, sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ chế đã có, nhưng trong thế giới biến đổi hiện nay, thách thức với các cơ quan báo chí còn rất lớn. Do đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có đủ sức mạnh, năng lực có thể cạnh tranh được với số lượng đó và đáp ứng được yêu cầu của độc giả.

Trước yêu cầu phải đổi mới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị báo chí phải nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh mà phải xây dựng được đội ngũ phóng viên biên tập viên chuyên nghiệp. Nhà báo vừa là những nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà nghệ thuật, nhà công nghệ và nhà chuyển đổi số. Điều này là rất quan trọng và mỗi cơ quan báo chí cần có đề xuất để Nhà nước, Chính phủ sẽ cùng xem xét thực hiện các yêu cầu làm sao để xây dựng được đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và hiện đại, phù hợp với chuyển đổi số.

Cùng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đã đến lúc cơ chế thị trường sẽ là cơ chế chi phối nên hoạt động báo chí cũng phải theo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, cần làm rõ vai trò của báo chí. Phó Thủ tướng cũng mong muốn các cơ quan báo chí ngày càng có nhiều các tác phẩm, ấn phẩm, có sự đầu tư để có nhiều câu chuyện, nhiều món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các nhà quản lý và mỗi người dân trong đời sống hàng ngày.

Quang cảnh hội nghị. 
Quang cảnh hội nghị. 

"Trong bối cảnh chúng ta cần phải đưa ra nhiều thông tin đến với nhiều người dân hơn, bằng nhiều hình thức hơn, trên quan điểm của mỗi nhà báo nhưng thống nhất về tư tưởng, chính trị, chủ trương thì tại sao chúng ta không phát huy nguồn này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về định hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, trong đó Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ chung là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là sự kiện pháp lý trọng tâm của Quốc hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật và phản hồi ý kiến của Nhân dân một cách hiệu quả, chính xác, để có thể xây dựng được một đạo luật mang tính kinh tế, chính trị - xã hội đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân, trở thành nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, bản thân liên tục theo dõi động thái của mình, của Chính phủ trên báo chí, đặc biệt cũng được nhiều nhà báo lão thành gửi ý kiến đóng góp. Đây cũng chính là cơ chế và một cách làm việc. Bên cạnh nhiệm vụ phát ánh thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí phải khái quát và đưa ra được những vấn đề, đánh giá được những động thái, phản ứng của Chính phủ, phản hồi kịp thời về chính sách.

"Bên cạnh việc phản ánh về thông tin, chúng ta phải khái quát để đưa ra được những vấn đề, để đánh giá được những động thái, những phản ứng của Chính phủ trên mặt trận này. Từ đó, phản hồi kịp thời về mặt chính sách. Có những việc chúng ta cần phản ứng nhanh với chính sách, bởi phản ứng chậm với chính sách là thất bại trên mặt trận truyền thông. Do đó, việc phản ứng kịp thời, phản ứng nhanh nhạy rất cần sự ủng hộ báo chí" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.